SỨ GIẢ CỦA HÒA BÌNH VÀ TÌNH THƯƠNG.

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…” (Lc 1, 49). Trước những lời ca tụng của Bà Elisabet về việc Đức Maria được diểm phúc làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã khiêm tốn  tạ ơn Chúa và thưa:“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả...”.

 

Ơn Gọi của Chúa thật là điều  kỳ diệu đối với những người Chúa chọn để làm các công việc đặc biệt của Chúa trong Giáo Hội. Đúng là “Không phải vì con Chúa chọn con; nhưng là bí nhiệm tình yêu Chúa!”.

 

Khi Đức Gioan Phaolô II  được bầu lên ngôi Giáo Hoàng (ngày 16-10-1978), cả thế giới ngỡ ngàng. Một con người phải trải qua bao khó khăn thời niên thiếu để tự sinh sống và việc học thật khó khăn, phải “tu chui”, lên được chức Linh Mục là khá lắm rồi, thế mà Thiên Chúa đã dùng Ngài làm bao việc “trọng đại” qua bao chức vụ khác nhau trong Giáo Hội cho đến ngôi vị Giáo Hoàng, và triều đại Giáo Hoàng của Ngài thật dài lâu và thật tuyệt vời.

 

Áp dụng vào cuộc đời của Đức Đương Kim Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, từ thời niên thiếu cho đến Ngôi vị Giáo Hoàng, chúng ta cũng thấy Thiên Chúa  đã dẩn dắt Ngài một cách thật kỳ diệu. Bản tiểu sử thời niên thiếu của Ngài ghi lại: Vào một buổi sáng ngày Thứ Bảy Tuần Thánh 16 tháng 4 năm 1927, tại làng quê Marktl am Inn( thuộc Giáo phận Passau, miền Bavaria, nước Đức), bà Ratzinger, nhũ danh là Maria Peintner, đã sinh hạ một người con trai mà hai ông bà đặt tên là Giuse Alois Ratzinger và được chịu phép Thánh Tẩy vào chính ngày thứ bảy tuần thánh hôm đó. Cậu là người con thứ ba và là cậu bé út trong gia đình. Anh đầu của cậu là George Ratzinger, và chị gái tiếp theo là Maria Ratzinger. Hai anh em

trai đều được Chúa chọn lên  chức Linh Mục. Còn người chị gái sống độc thân và đã đi theo để giúp em cho đến khi qua đời vào năm 1991. Cha của cậu là Giuse Ratzinger, Sr. Ông là một sĩ quan cảnh sát thuộc gốc một gia đình nông dân nghèo miền quê vùng Bavaria. Mẹ cậu, trước khi kết hôn, đã làm người nấu ăn cho một số khách sạn trong vùng. Cả hai ông bà đều thuộc gia đình công giáo tốt.

 

Gia đình Ratzinger đã phải sống rất khó khăn vào thời Đức Quốc Xã. Ông Ratzinger, Sr. chống lại chế độ này, vì thấy nó rất tàn bạo, đi ngược hẳn với đức Bác ái Công giáo. Tuy nhiên, hai người con trai của ông bà, khi lên 14 tuổi, lần lượt vẫn phải bắt buộc ghi danh vào Đoàn Thiếu Niên của Hitler. Nhưng theo tinh thần của bố, hai cậu bé này nhất định không hoạt động tích cực, và không năng đi dự các cuộc họp của đoàn. Các cậu vẫn giữ vững đức tin công giáo và nuôi ơn gọi làm Linh mục; kể cả khi phải bắt đi lính cho chế độ Hitler. Giuse Ratzinger cũng đã bị bắt làm tù binh chiến tranh của quân đội Hoa Kỳ khi Đồng Minh đến giải phóng nước Đức khỏi chế độ tàn bạo Đức Quốc Xã vào năm 1945.

 

Sau những ngày bình an trở lại trên quê hương, hai cậu con trai đều trở vào Chủng Viện để học và tiếp tục cuộc đời tận hiến cho Chúa. Tạ ơn Chúa, cả hai anh em đã cùng được chịu chức Linh mục vào cùng  ngày 29 tháng 6 năm 1951 tại Freising. Lúc đó, Linh mục Joseph Ratzinger mới vừa  24 tuổi. Sau khi chịu chức Linh mục, Cha Giuse Ratzinger được cử làm giáo sư dạy trung học và tiếp tục học hỏi thêm, và đã đậu bằng tiến sĩ Thần học vào năm 1953, rồi tiếp tục là Giáo sư nhiều trường Đại Học nổi tiếng ở Đức để giảng dạy về triết học và thần học . Có một thời gian Cha đã làm Khoa trưởng phân khoa Thần học và tiếp theo là Phó Viện trưởng Đại học Rosensburg.

 

 Ngài có đầu óc thật thông minh  và ham học hỏi, đọc sách thật nhiều; nên  đã viết nhiều bài báo và tác phẩm rất giá trị, đặc biệt về Thần học và Giáo lý Công giáo... Cũng như Đức Giáo Hoàng Phaolô II, Ngài có khiếu sinh ngữ. Ngài nói thành thạo tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Latinh; khá rành tiếng Bồ Đào Nha và cũng giỏi về Cổ Ngử Hy Lạp và tiếng Do Thái cổ

dùng trong Kinh Thánh. Là một nhà trí thức nổi tiếng ở Âu Châu, Ngài  đã được mời vào làm thành viên của nhiều Hàn Lâm Viện Âu Châu. Ngài cũng được kể vào số những nhà trí thức Công giáo nổi tiếng thời đó như Karl Rahner, Hans Kung, Hans Urs von Balthasar, Henri de Lubac... Nhiều trường Đại học đã tặng Ngài Bằng Tiến Sĩ Danh Dự: Đại học Thánh Tôma ở Saint Paul (Minesota, 1984); Đại học Công Giáo Lima (1986); Đại học Công giáo Eichstatt (1987); Đại học Công giáo Lublin (1988); Đại học Công giáo Navarre (1998); Đại học Wroclaw, Balan (2000).                 Ngài cũng có khiếu về âm nhạc, chơi đàn Piano, và rất thích nhạc của Mozart và Bach.

 

Ngài cũng là “tư vấn” về Thần học trong Cộng đồng Vaticanô II từ 1962-1965 và giữ các vai trò quan trọng trong Hội đồng Giám Mục Đức Quốc và Ủy Ban Thần Học Quốc Tế.

 

Vào ngày 25/3/1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt Ngài làm Tổng Giám Mục Munich và Freising và ngày 27 tháng 6 cùng năm, lại ban cho Ngài phẩm chức Hồng Y. Sau đó Ngài đã dự hai Mật nghị để bầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1978.

 

Năm 1981 Đức Giáo Hoàng Phaolo II đặt Ngài làm Tổng trưởng Thánh bộ Đức Tin (1981-2005). Từ đó Ngài từ chức Tổng Giám Mục Munich và trở về Giáo triều Rôma để phục vụ cho đến khi lên Ngôi Giáo Hoàng. Trong thời gian này Ngài đã đóng góp rất nhiều vào các công việc quan trọng của Giáo hội: Chủ tịch Ủy ban Soạn thảo Giáo lý Công giáo và sau 6 năm làm việc (1986-1992), Ủy ban đã hoàn thành và trình lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cuốn Giáo Lý Công Giáo mới. Ngài cũng được mời làm thành viên của các Bộ tại Giáo triều Rôma: như Bộ Giáo Hội Đông Phương, Bộ Phượng tự và Kỷ Luật Bí Tích, Bộ Giám Mục, Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, Bộ Giáo dục Công giáo, Bộ Giáo sĩ, Bộ Phong Thánh, Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Tòa Hòa Giải Tối Cao, Hội Đồng Giáo Hoàng về Các Văn Bản Luật... Ngày 30/11/2002, Ngài được bầu làm chủ tịch Hồng Y Đoàn.

 

Từ năm 1990, sức khỏe của Ngài bị suy giảm nặng vì làm việc quá nhiều; có những lần bị trụy tim và mắt bị mờ. Vì thế, Ngài xin về hưu với ý định trở về ngôi làng ở Bavaria để tĩnh dưỡng và viết sách. Đã ba lần Ngài đệ đơn xin từ chức; nhưng cả ba lần Đức Giáo Hoàng đều xin Ngài ở lại. Vì vâng lời, Ngài  tiếp tục ở lại làm việc. Lạ lùng thay, ơn Chúa lại giúp Ngài hồi phục lại sức khỏe và tiếp tục hăng hái đảm nhiệm các công việc được trao phó. Lạ lùng hơn nữa, khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II băng hà, nhiều tin đồn và báo chí đã đề cập đến tên Ngài vào những vị sẽ được chọn. Phần Ngài chẳng tin rằng mình sẽ được chọn, vì tuổi đã già và sức khỏe không khả quan. Anh của Ngài là Đức Ông George Ratzinger, theo như ngừơi ta kể lại, cũng đêm ngày cầu nguyện xin Chúa đừng chọn người em của mình. Thế nhưng “Chúa đã chọn Người mà Chúa muốn!”  và Ngài đã được chọn lên Ngôi Giáo Hoàng vào ngày 19/4/2005, lúc đã 78 tuổi ( Nhớ lại Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII , sinh năm 1652, đựơc Chúa chọn lên ngôi Giáo Hoàng cũng vào lúc đã 78 tuổi, và ở ngôi Giáo hoàng đựơc 10 năm, 1730-1740; Đức Giáo Hoàng  Gioan XXIII, sinh năm 1881, được Chúa chọn lên Ngôi Giáo Hoàng lúc  77 tuổi, và ở ngôi  Giáo Hoàng được  5 năm, 1958-1963). Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng thứ 265 trong Giáo hội, và là vị Giáo Hoàng IX gốc  người Đức.

 

Khi được bầu chọn xong, Ngài đã xin vâng theo ý Chúa và đã tâm sự với các vị Hồng y hiện diện: “Tôi đã cầu xin Chúa đừng chọn tôi... nhưng Chúa đã không nhận lời tôi cầu xin!”. Điều trùng hợp tốt lành, là ngày 19/4 lại trùng vào lễ Thánh Leô IX, là vị Giáo Hoàng người Đức (1049-1054),  được chọn lên ngôi Giáo Hoàng lúc mới có 47 tuổi, và là vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng thời Trung cổ, nổi tiếng về sự thánh thiện và lòng nhiệt thành canh tân Giáo hội; dù Ngài chỉ ở ngôi vị Giáo Hoàng có 5 năm và qua đời vào năm 1054.

 

Trong lời ngỏ đầu tiên khi vừa được bầu chọn, trước cộng đồng đông đảo đang chờ đợi tại công trường Thánh Phêrô, vị Tân Giáo Hoàng 78 tuổi đã cảm động nói (trước khi ban phép lành đầu tiên cho Thành Rôma và toàn thế giới): “Anh chị em thân mến, sau vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Đức Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ, khiêm hạ trong vườn nho của Chúa. Tuy nhiên tôi tự an ủi rằng Chúa biết và Chúa hành động nơi những dụng cụ bất toàn; hơn nữa tôi hoàn toàn phó thác vào lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui Chúa Phục Sinh và với niềm tin mạnh mẽ vào sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước. Chúa sẽ nâng đỡ chúng ta. Mẹ Maria Chí Thánh của Chúa sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta. Xin cám ơn anh chị em!”.

 

 Trong lời tâm tình đầu tiên với Dân Chúa vào ngày thứ Tư 27/4/2005, Đức Giáo Hoàng nói lên lý do Ngài đã chọn danh hiệu Bênêđíctô (Trong tiếng Latinh chử “Benedictus” có nghĩa là “người được chúc phúc” như trong câu “Benedictus qui venit in nomine Domini! Chúc tụng đấng nhân danh Chúa mà đến!”). Đức Tân Giáo Hoàng nói: “ Trong tâm thức vừa lo âu vừa tạ ơn Chúa, tôi xin bày tỏ cùng quý vị tại sao tôi chọn danh hiệu Bênêđíctô:  Trước là để nhớ đến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (1914-1922), là vị sứ giả đã rất can đảm trong sứ vụ rao giảng Hòa Bình; Ngài đã khôn ngoan hướng dẩn Giáo Hội Chúa qua thời hỗn loạn của chiến tranh (Thế chiến thứ nhất). Theo chân Ngài, tôi đặt trọng tâm sứ vụ của tôi vào việc phục vụ sự hòa giải và hòa hợp giửa các dân tộc. Hơn nữa tôi chọn danh hiệu Bênêđíctô cũng là để nhớ đến Thánh Bênêđíctô thành Nursia, đồng bổn mạng của Âu Châu, cuộc đời Ngài nói lên cội nguồn Kytô giáo của Âu Châu. Tôi cầu xin Ngài giúp chúng ta nắm vững được Chúa Kytô  trong trung tâm điểm đời sống Kytô hữu của chúng ta. Chớ gì Chúa Kytô luôn là điểm quan trọng nhất trong mọi tư tưởng và hành động của chúng ta!”.

 

Qua Bài “Những lời tâm tình đầu tiên...” (Chúng tôi đã dịch ra và gửi đến quý vị trước đây), chúng ta nhận thấy Ngài rất tôn trọng đường lối của Đức Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II, tiếp tục thi hành những chỉ thị của Cộng Đồng Vaticanô II cho Giáo Hội trong thế giới hôm nay; đặc biệt tinh thần dấn thân phục vụ của các tầng lớp giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân; tinh thần tìm hiểu và liên kết với các anh em “cùng tôn thờ một Chúa Kytô” (Ecumenical efforts); tinh thần hòa hợp và hòa giải giữa các Tôn giáo (Đối thoại liên tôn). Chính vì thế, trong ba năm trên ngôi vị Giáo Hoàng, Ngài đã tiếp tục đi đến gặp gở và cùng cầu nguyện với các Tôn giáo bạn: Chính Thống Giáo, các ngành Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo.v.v...

 

Tâm tình  ‘Chủ Chăn’  của Ngài đặc biệt được biểu lộ trong hai ‘Tông Thư’  (Encyclicals) đã ra đời : Tông Thư ‘Thiên Chúa là Tình Yêu,’ ‘ God is Love’(Lấy trong thơ I Gioan 4,8) ký vào dịp lễ Giáng Sinh 2005 (đặc biệt nhấn mạnh vào tình yêu thương của Chúa với mọi người trong nhân loại ); Tông Thư “Niềm Hy Vọng Cứu Rỗi” (Saved by Hope; lấy trong tư tưởng của Thánh Phaolô ‘Nhờ Đức Cậy, chúng ta được  cứu độ!”), đặc biệt nhấn mạnh vào niềm hy vọng cho thế giới “đầy thất vọng” hôm nay, được gửi đi vào ngày 30 tháng 11 năm 2007.  Người ta cũng đang chờ đợi Tông Thư Thứ Ba trong triều đại Giáo Hoàng của Ngài: “Thành Thực Yêu Thương” (Charity in Truth); đó là Tông Thư nhấn mạnh về các vấn đề toàn cầu hóa và công bằng xã hội, và tinh thần yêu thương phục vụ.

 

Tiếp nối tinh thần của các vị Giáo Hoàng  tiền nhiệm sau Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt Đức Gioan Phaolô II, Ngài đã dành khá nhiều thời giờ để “đến với các Dân tộc”. Ngoài các cuộc viếng thăm mục vụ tại nhiều nơi trong nước Ý (như Bari,2005; Manoppello ‘Pescara,’ 2006; Venora, 2006; Vigevano và Pavia, 2007;  Assisi, 2007; Loreto, 2007; Velletri, 2007; Naples, 2007; Savona và Genoa,2008) , Ngài đã thực hiện hai cuộc tông du đến Đức Quốc, một lần để chủ tọa Đại Hội Giới TrẻThế Giới ở Cologne (18-21 tháng 8, 2005), một lần để viếng thăm những thành phố nơi Ngài đã sống (9-14 tháng 9, 2006).     Ngài đã kính viếng Ba Lan , Quê Hương  Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolô II (25-28 tháng 5, 2006);     Valantia (Tây Ban Nha) dịp Đại Hội Thế Giới về Gia Đình Lần Thứ Năm (ngày 8-9 tháng 7, 2006);           Thổ Nhỉ Kỳ (ngày 28/11 đến ngày 01/12/2006); Brazil (ngày 9-14 tháng 5, 2007, dịp Đại hội các Giám Mục vùng Châu Mỹ La Tinh và quần đảo Caribbê) ;  nước Áo (ngày 7-9 tháng 9, 2007, dịp Đại lễ kỷ niệm 850 năm Shrine of Mariazell) ;             Hoa Kỳ và đọc diễn văn tại Trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (ngày 15-21 tháng 4, 2008).

 

Mọi cuộc Tông Du của Ngài đều có những chủ đích đặc biệt và đều rất quan trọng, nhưng đặc biệt quan trọng và được cả thế giới chú ý là cuộc viếng thăm Thổ Nhỉ Kỳ và cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc.

 

Cuộc viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ đã gây nên mối lo lắng cho cả Giáo Hội, vì những dọa nạt, chống đối của những nhóm Hồi Giáo quá khích. Cả Giáo Hội đã dâng lời cầu nguyện cho Ngài và mặc dầu nhiều trở ngại, nhưng Ngài cứ lên đường “nhân danh Chúa” và với niềm tin phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Tạ ơn Chúa, sau đó cả Giáo Hội đã vui mừng khôn tả khi cuộc viếng thăm được hoàn tất một cách thật tốt đẹp và Ngài trở về Rôma bình an sau khi đã nối lại được những tiến triển tốt đẹp với anh em Hồi Giáo tại đây (chúng tôi đã tường thuật lại cuộc viếng thăm rất quan trọng và đầy khó khăn này trong một bài viết  trước đây : “Chiếc Thảm Thổ Nhĩ Kỳ”).

 

Riêng cuộc viếng thăm Hoa Kỳ và Trụ Sở Liên Hiệp Quốc cũng mang ý nghĩa riêng và thành công thật tốt đẹp, như báo chí và giới truyền thanh, truyền hình tại Hoa kỳ và các nơi trên thế giới đã loan tin thật đầy đủ vào dịp đó.

 

Trước hết, cuộc viếng thăm và đọc diễn văn tại  Trụ Sở Liên Hiệp Quốc của Đức Giáo Hoàng đã được biết đến  khi ông Tổng Thơ Ký Ban Ki Moon loan báo với ký giả vào ngày 26 -4-2007 là trong dịp viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican, ông đã ngỏ lời mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Liên Hiệp Quốc vào một thời điểm nào thích hợp, và Đức Giáo Hoàng  đã hân hoan nhận lời. Và thời điểm đó đã đến,  Đức Giáo Hoàng đã viếng  thăm và đọc diễn văn tại trụ sờ Liên Hiệp Quốc vào ngày 18/4/2008. Trong bài diễn văn bằng tiếng Pháp và  tiếng Anh, Đức Giáo Hoàng đã ngỏ lời cám ơn ông Tổng thơ ký  Liên Hiệp quốc đã mời Ngài và chào mừng toàn thể quan khách đã đến dự . Ngài  nói đến Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các dân tộc”(Family of Nations) mà vai trò là bảo vệ nhân quyền và nền công lý cho nhân loại, cũng như dấn thân để giải quyết các vấn đề khó khăn đang xẩy ra trên thế giới. Ngài cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những đóng góp vô giá của các nhân viên làm việc cho  Liên Hiệp quốc , và tưởng nhớ đến bao nhân viên đã hy sinh mạng sống (nguyên trong năm 2007, đã có 42 nhân viên  hy sinh) trong khi đến các nơi để làm công tác nhân đạo và bảo vệ hòa bình. Chúng ta nhớ lại  vị Giáo Hoàng đầu tiên đến viếng thăm Liên Hiệp Quốc là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vào ngày 04-10- 1965, Ngài đã hô hào mọi người cùng với Liên Hiệp Quốc làm sao để “không còn chiến tranh! Không còn Thế Chiến!.. Hòa Bình, Hòa bình phải đến  với nhân loại!”  Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm Liên Hiệp Quốc vào ngày 5-10-1995 và đã nói đến “Liên Hiệp Quốc như một trung tâm tinh thần mà các nước trên thế giới  coi như ngôi nhà của mình và cùng chia sẽ trách nhiệm về sự hiện hữu của Liên Hiệp Quốc như “một Gia đình của các Dân Tộc!” 

 

Cuộc viếng thăm Hoa Kỳ  của Đức Đương Kim Giáo Hoàng cũng đã được trù định rất lâu và đã  được loan báo trước nhiều tháng trời. Toàn thể Giáo hội Hoa kỳ đã tha thiết cầu nguyện cho Ngài trong cuộc viếng thăm này. Hiệp Hội Côlômbô (Knights of Columbus) đã in một bản kinh phía sau một tấm ảnh Đức Giáo Hoàng mặc phẩm phục màu xanh (tượng trưng “niềm hy vọng” mà Đức Giáo Hoàng sẽ đem lại cho quê hương và Giáo hội Hoa kỳ). Khẩu hiệu nói lên điều này là “Chúa Kitô, niềm Hy vọng của chúng ta!” (Christ, our Hope). Các nhà thờ và các nơi hội họp cũng như tại tư gia đã đọc kinh  này nhiều tháng trời và chờ đợi ngày Ngài đến viếng thăm. Bản kinh tuy ngắn, nhưng đã nói lên đầy đủ khát vọng của Giáo hội Hoa kỳ trong cuộc viếng thăm này của Đức Gíao Hoàng: “Lạy Cha Toàn Năng, Đấng hằng rộng ban muôn ơn lành cho chúng con, chúng con khiêm tốn cầu xin Cha soi sáng, hướng dẩn và che chở Đức Giáo Hoàng  Bênêđíctô XVI trong cuộc viếng thăm mục vụ của Ngài trên Đất nước Hoa Kỳ.        Xin chúc lành cho Đức Thánh Cha, Ngài đến như vị “Sứ Giả của Hòa Bình và Tình Thương” cho mọi người có niềm tin và thiện tâm. Xin cho sự hiện diện của Ngài tại Hoa kỳ giúp xây dựng sự  liên đới giữa chúng con, những con người đã được dựng nên giống Chúa và theo hình ảnh của Chúa; xin cho lời giảng dạy của Ngài tăng thêm sức mạnh đức tin cho Dân Chúa.        Lạy Cha, chúng con xin âu yếm phó thác cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cho sự chăm sóc  của Đức Mẹ Guadalupe, Nữ Vương Lục địa Mỹ Châu. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin cho Đức Giáo Hoàng  được gìn giữ khỏi mọi hiểm nguy, và xin cho Ngài chiếu tỏa được Chân Lý Phúc Âm mà  Ngài rao giảng, và xin cho sự hiện diện của Ngài giữa chúng con đem lại sự canh tân cho Giáo Hội trên quê hương chúng con. Chúng con nguyện xin nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen”.

 

 Chúa đã thường chúc lành cho cuộc viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng và đem lại những thành quả tuyệt vời. Dù chương trình 6 ngày viếng thăm thật bận rộn và phải di chuyển nhiều; nhưng ơn Chúa thương Đức Giáo hoàng vẫn đầy đủ sức khỏe (dù ở tuổi 81) để hoàn thành mỹ mãn.

 

Cuộc đón tiếp thật long trọng tại Tòa Bạch Ốc ( và nhân dịp cũng mừng sinh nhật 81 của Đức Giáo Hoàng), lúc đầu báo chí nói đến số người là 9 ngàn, nhưng thực tế  số quan khách tham dự đã lên đến  13, 500.  Ngoài cuộc họp mặt riêng với Tổng Thống Bush, rồi các cuộc tiếp xúc với các chính giới Hoa kỳ, Đức Giáo Hoàng đã lần lượt tiếp xúc và nói chuyện với hàng Giám Mục Hoa kỳ  tại Vương CungThánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Washington, DC), với các  nhà gíao dục Công Giáo tại trường Đại Học Công Giáo Hoa kỳ (Catholic University of America) , cùng cầu nguyện với các đại diện các Tôn Giáo tại John Paul II Cultural Center (Washington, DC), gặp gỡ Cộng đồng Do Thái Giáo tại Hội Đường Park East (New York), cầu nguyện Đại kết (Ecumenical prayer service) chung với các đại diện của các cộng đồng Kitô Giáo toàn quốc Hoa Kỳ tại  Gíao Xứ Thánh Giuse (New york), rồi những cuộc tiếp xúc với giới trẻ  tật nguyền, với các Chủng sinh , với các giới trẻ tại Đại Chủng viện Thánh Giuse (New York),  cầu nguyện cho các nạn nhân tại địa điểm bị tàn phá bình địa  (Ground Zero). Chưa kể đến những Bài giảng và những Thánh Lễ trọng thể Ngài dâng tại Công viên quốc gia (National Park, New York, 17-4-2008), tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick (New York,  19-4-2008), đặc biệt tại Yankee Stadium (New York,  20-4-2008) trước khi chào từ biệt  trở về Tòa Thánh.  Trong mọi dịp Đức Gíao Hoàng đã cố gắng đem  Phúc âm  Tình thương và niềm Hy Vọng đến cho mọi người  thuộc mọi từng lớp xã hội, và mới gọi mọi người thuộc các Chủng tộc và Tôn giáo khác nhau biết đối thoại để sống hòa hợp và yêu thương  nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

 

“Nói chung , cuộc viếng thăm  của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đến với đất nước Hoa kỳ và Liên Hiệp quốc đã đem lại  nhiều thành quả tốt đẹp. Những thành quả đó chắc chắn sẽ bền vững trên Quê hương và Giáo Hội Hoa Kỳ, và đem lại ‘một Mùa Xuân mới’ chẳng những cho Giáo Hội Hoa Kỳ, mà cho cả dân tộc Hoa Kỳ.  Sau cuộc viếng thăm đã có những tiếng vọng rất tốt đẹp từ các tầng lớp khác nhau tại đất nứớc đa chủng tộc, đa tôn giáo này : Trước khi Ngài  đến, nhiều người Hoa Kỳ nói họ không biết gì nhiều về Đức Giáo Hoàng  này. Khi Ngài ra về, nhiều người đã nhìn thấy được Ngài như lời Ngài đã tự diễn tả về mình khi mới đến  ‘như một người bạn, một người rao giảng Tin Mừng và như một người đầy lòng ngưỡng mộ một xã hội rộng lớn và  đa chủng này!”(Catholic news Service).

 

Hiện nay mọi người lại đang chờ đợi và cầu nguyện cho cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng sang Úc Châu vào dịp Đại Hội Giới trẻ từ ngày 16-20 tháng 7 năm nay (2008). Cuộc viếng thăm này cũng mang một tầm quan trọng thật đặc biệt chẳng những cho giới trẻ thế giới mà cho bao người, đặc biệt tại Úc Châu, Á Châu.  Tiếp theo là cuộc tông du của Ngài sang

 Pháp ( từ ngày 12-15/9/2008) và sang Mexicô, được dự trù vào năm tới (2009).

 

Đức Giáo Hoàng luôn sẳn sàng dấn thân ra đi các nơi mà Chúa muốn và làm những gì mà Chúa muốn để đem Tin Mừng của Tình thương và niềm Hy vọng đến cho các Dân tộc, đến cho mọi người. Ngài muốn chung tay với các nhà lãnh đạo thế giới để xây dựng tình thương giữa các Dân tộc, giữa các Tôn Giáo, và đem lại nền Hòa bình bền vững cho thế giới, để “trái đất này trở nên một nơi ở tốt đẹp hơn cho mọi người!”(Thông Điệp ‘Hòa Bình Trên Trái Đất’).

 

Nhưng tất cả là nhờ ơn Chúa giúp. Nên ngay từ lời ngỏ đầu tiên trong ngày nhậm chức vụ Giáo Hoàng Ngài đã nói và chúng ta nên ghi nhớ để luôn dâng các hy sinh hàng ngày cầu nguyện cho Ngài: “... Tôi xin phó thác chính con người của tôi vào lời cầu nguyện của anh chị em!”.

 

 

 

 

Mục Lục
Trở Về Trang Nhà