Tết Của Dân Do Thái Xưa

Tiền thân của Kitô giáo là Do Thái giáo, tức tôn giáo của dân Do Thái hay Dân Chúa xưa. Là người Kitô hữu, chúng ta nên tìm hiểu ngày đầu năm hay ngày Tết của Dân Chúa. Tự điển The interpreter's dictionary of the Bible (Tự điển Thánh Kinh cho người chú giải), Abingdon Press, New York 1962, mục New Year, cho ta một số kiến thức về cái Tết của người Do Thái xưa. Bài này viết dựa trên những kiến thức đó.

Thời điểm ngày tết trong năm

Tết của người Do Thái, hay ngày đầu năm của lịch Do Thái xưa không trùng với Tết dương lịch hay Tết âm lịch của chúng ta. Năm mới của người Do Thái bắt đầu vào khoảng tháng tư dương lịch, tức vào dịp Tuần Thánh hay Phục Sinh của Kitô giáo. Ðiều khác biệt với các dân tộc khác là ngày Tết của người Do Thái không phải là ngày đầu tháng giêng của họ, mà là một ngày vào khoảng giữa tháng giêng. Như thế, nửa tháng đầu của tháng giêng được coi là những ngày cuối năm ( ).

Lịch sử của tháng giêng, tháng Nisan, hay tháng đầu năm của lịch Do Thái bắt nguồn từ biến cố Ðức Giavê giải phóng dân Do Thái ra khỏi ách nộ lệ Ai Cập. Thời Môsê, nghĩa là cách đây khoảng 3250 năm, vào đầu tháng xảy ra cuộc giải phóng này, lúc đó dân Do Thái còn đang trong tình trạng nô lệ bên Ai Cập, Ðức Giavê ra lệnh cho Môsê và Aaron rằng: Ðối với các ngươi, tháng này phải là tháng đầu cho tất cả những tháng khác, tức là tháng đầu tiên trong năm (Xh 12, 1).

Như vậy, tháng giêng đầu tiên của lịch Do Thái do Môsê sửa lại là tháng xảy ra những biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Do Thái: Dân Do Thái từ tình trạng nô lệ Ai Cập được giải phóng đến miền đất tự do. Ðể kỷ niệm biến cố lịch sử này, trong tháng giêng, có lễ hội Massôth, kéo dài 7 ngày, trong đó có lễ Vượt Qua ( ) và lễ Bánh Không Men ( ) là hai lễ lớn và quan trọng trong tôn giáo Do Thái. Tuy nằm trong tháng giêng, nhưng 7 ngày lễ hội Massôth được coi là những ngày cuối cùng trong năm. Sở dĩ ngày đầu năm bắt đầu sau lễ hội này vì sau khi Ðức Giavê giải phóng dân Ngài ra khỏi Ai Cập, thì người Do Thái coi những ngày đầu tiên của thời tự do thuộc về một kỷ nguyên mới, vì thế, đó cũng là thời điểm bắt đầu một năm mới hay ngày Tết.

Tục lệ ngày Tết

Trong 7 ngày lễ hội cuối năm này, người ta phải thanh toán cho hết tất cả những gì còn lại của năm cũ, là hiện thân của linh khí thảo mộc năm cũ: những gì ăn được thì phải ăn cho hết, không ăn được thì phải tiêu hủy hay đốt cháy hết. Không được phép để lại bất cứ thứ gì thuộc mùa màng cũ khi đã bắt đầu mùa gặt cho vụ mùa mới. Tục lệ này chắc chắn phát xuất từ lệnh truyền của Ðức Giavê: Các ngươi chớ để chi còn lại đến sáng mai, nếu còn lại, hãy thiêu đi (Xh 12, 10). Theo đó, linh khí thảo mộc của mùa cũ hay năm cũ phải hoàn toàn biến mất trước khi linh khí thảo mộc của mùa mới hay năm mới xuất hiện.

Theo phong tục Do Thái xưa, vào ngày thứ nhất của lễ hội Massôth (tức trước Tết 7 ngày), vua của Giêrusalem (như Saolê, Ðavít chẳng hạn) dẫn đầu một đám rước long trọng đi từ Giêrusalem băng qua suối Xêđrông rồi lên núi Cây Dầu, tới đền thờ ở trên đỉnh núi. Truyền thống dân gian tại Giêrusalem cho rằng núi Cây Dầu là cửa ngõ nối Thiên Giới và Hạ Giới. Vì thế, người ta xây một đền thờ để thờ phượng Thiên Chúa tại đó. Nhà vua sẽ ở lại đây suốt 7 ngày lễ hội, và ngài đóng vai biểu tượng cho linh khí thảo mộc cũ đang hấp hối chết, nên lúc nào ngài cũng phải tỏ vẻ buồn rầu. Ðây hẳn là lúc rất thuận lợi để nhà vua xem xét lại những hành vi sai trái của mình và sám hối.

Qua ngày thứ tám là năm mới, đúng lúc mặt trời mọc là giao thừa, là lúc năm mới bắt đầu. Người ta tin rằng lúc đó, linh khí thảo mộc đã chết được phục sinh và trở thành linh khí thảo mộc mới, sẽ xuống trần gian tại núi Cây Dầu, và lại hiện thân nơi con người nhà vua. Linh khí đó sẽ trở về theo cuộc rước trọng thể từ vương quốc của thần chết, băng qua suối Xêđrông về tới Giêrusalem. Linh khí này sẽ ở lại trong đền thờ với Giavê Thiên Chúa, còn nhà vua thì trở về cung điện của mình. Lúc đó vẫn còn là sáng sớm ngày Tết.

Sau đó, tức sáng sớm ngày Tết, tại hoàng cung, tiếng tù và thổi lên. Khi nghe thấy tiếng tù và, nhà vua long trọng bước lên ngai vàng lần thứ nhất trong năm. Và thế là năm mới đã bắt đầu.

Trong khi ở kinh đô nhà vua lên ngai vàng, thì ở các làng mạc, dân chúng cũng ra đồng để làm lễ nghi cắt bó lúa đầu tiên của năm mới. Mỗi gia đình đều cử người ra đồng cắt tượng trưng lấy một bó lúa đem về. Việc lên ngai vàng và việc ra đồng cắt bó lúa đầu tiên của năm mới là hai nghi thức quan trọng của năm mới.

Ngày Tết cũng là một trong ba dịp trong năm cho các cô gái chưa chồng ở trong làng ra ruộng nho nhảy múa để được các chàng trai trong làng ra chiếm lấy và đem về làm vợ. Trước đó, các cặp trai gái phải kín đáo chờ đợi tới một trong ba dịp này mới công khai tình yêu của mình.

Vài suy nghĩ về ngày Tết Do Thái

Trong cách ăn tết của người Do Thái, ta thấy có một tục lệ rất đánh động, là trong 7 ngày lễ hội cuối năm này, người ta phải thanh toán cho hết tất cả những gì còn lại của năm cũ, là hiện thân của linh khí thảo mộc năm cũ: những gì ăn được thì phải ăn cho hết, không ăn được thì phải tiêu hủy hay đốt cháy hết. Không được phép để lại bất cứ thứ gì thuộc mùa màng cũ khi đã bắt đầu mùa gặt cho vụ mùa mới vào đầu năm mới. Thật là một thái độ dứt khoát đối với những gì thuộc năm cũ, mùa cũ.

Ðó là điều mà người Kitô hữu nên suy nghĩ. Tục lệ này đúng ra phải xảy ra trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu vào dịp năm mới. Năm mới, tâm hồn mỗi người cần phải đổi mới, đổi mới toàn diện và triệt để. Muốn đổi mới, phải dứt khoát với cái cũ, với những gì thuộc năm cũ hay thuộc con người cũ: Hãy cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới. Nhưng con người mới làm sao sinh ra được nếu con người cũ không chết đi? Thái độ dứt khoát với con người cũ là thái độ người Kitô hữu phải có nếu muốn con người mới tốt đẹp của mình sinh ra. Con người cũ chính là cái tôi ích kỷ của mỗi người. Cái tôi ích kỷ ấy có chết đi, thì cái tôi mới, cái tôi vị tha, mới sinh ra được. Cũng như hạt lúa có mục nát hay chết đi thì cây lúa mới sinh ra được (Xem Ga 12, 24). Hạt nguyên tử có bị phá hủy đi thì mới biến thành năng lượng kinh khủng để trở thành hữu ích được. Thật vậy, chính khi ta phá vỡ cái tôi ích kỷ, sát tế cái tôi ấy bằng cách không còn đặt nặng cái tôi của mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, ý kiến hay ý riêng của mình, mà hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa, vâng theo lẽ phải, theo sự đòi hỏi của chân lý và công lý, theo sự thúc đẩy của tình thương đối với tha nhân, thì năng lực của ta sẽ trở nên mạnh mẽ phi thường. Và ta sẽ trở thành một con người mới hoàn toàn.

Nếu cá nhân cần phải đổi mới, thì xã hội và Giáo Hội cũng cần phải đổi mới. Muốn đổi mới thì phải dứt khoát với những gì cũ, xấu, vì cái cũ cái xấu có chết đi thì cái mới cái đẹp mới sinh ra được: những quan niệm cũ, đường lối cũ, chủ trương cũ rất có thể không còn thích hợp với xã hội mới, Giáo Hội mới, cần phải thay đổi. Cần phải luôn luôn suy tư để đổi mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới, thế giới mới. Vì hoàn cảnh và thế giới lúc nào cũng đổi mới đòi hỏi chúng ta phải đổi mới theo. Không thể đựng rượu mới vào bầu da cũ được. Xã hội và Giáo Hội từ xưa đến nay đã đổi mới không biết bao nhiêu lần, có những cuộc đổi mới vĩ đại không ai lường trước được. Ðổi mới để tồn tại và để phát triển. Vì thế, không nên sợ đổi mới, nhất là đổi mới để trở nên tốt đẹp hơn. Hãy sẵn sàng đón nhận những cái mới mẻ mà Thánh Thần, Ðấng luôn luôn canh tân và đổi mới mọi sự, muốn thực hiện nơi mỗi người, trong xã hội và Giáo Hội. Ðương nhiên, cần phải đổi mới một cách sáng suốt, khôn ngoan, đầy suy tư và sáng tạo. Nếu không, đổi mới sẽ dẫn đến phá hoại.

Tục lệ dứt khoát với những gì thuộc năm cũ của người Do Thái xưa thật đáng cho mọi Kitô hữu suy nghĩ.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà