Một buổi sáng bên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a
Ga 21,1-25
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 18

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

Ngày 12 tháng 4 năm 2019

 

Cuối chương 20, sau khi ông Tô-ma tuyên xưng đức tin, đã có một kết luận chung cho “những gì đã chép trong sách này”. Người viết lại tiếp tục với câu chuyển tiêp “Sau đó…”, kể câu chuyện “Một buổi sáng bên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a” :

Ai có thời giờ và muốn tìm hiểu về nguồn gốc chương 21 này, thì xin mời đọc các sách nghiên cứu chuyên môn về sách Tin Mừng thứ tư. Trong khuôn khổ sách này, tôi chỉ muốn giúp ai muốn tìm sự sống đời đời như mục đích của tác giả sách Tin Mừng Gio-an : đọc, suy niệm và để cho Lời Chúa soi sáng, biến đổi tâm hồn và cuộc sống của mình, nên tôi mời cứ đọc tiếp theo hướng đó.

Biển Hồ Ti-bê-ri-a là tên gọi do ảnh hưởng của thành phố được xây dựng kính Hoàng Đế Rô-ma Ti-bê-ri-ô (x. Lc 3,1) ở bờ phía tây của Biền Hồ này, vốn có tên gọi là Ki-ne-rét, người Do-thái giải nghĩa rằng do hình dáng của nó giống cây đàn dây Kin-no, hoặc Biển Hồ Ga-li-lê, theo tên miền đất. Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể Chúa Giê-su khởi sự ở đây, trú tại nhà ông Si-môn Phê-rô ở Ca-phác-na-um. Đây là vùng đông dân cư, gồm cả Do-thái và Dân Ngoại, nên địa bàn chủ yếu trong thời kỳ Chúa Giê-su rao giảng tại Ga-li-lê, là Biển Hồ này với các thành thị và làng mạc chung quanh. Cả bốn sách Tin Mừng đều cho thấy như vậy.

Một đêm đánh cá trên Biển Hồ

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở biển hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Ông Phê-rô khởi xướng và có sáu người môn đệ khác đi theo, trong số có hai người không kể tên, tổng cộng là bảy người. Kết quả một đêm vất vả của bảy chàng ngư phủ là đến sáng vẫn thuyền rỗng lưới không.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Người kể đã cho chúng ta biết là chính Chúa Giê-su đang đứng trên bờ, để chúng ta cùng theo dõi phản ứng của các môn đệ.

Họ không nhận ra đó là Chúa Giê-su. Nghe hỏi “không có gì ăn hả ?” họ trả lời gọn : “Không !” Đọc câu hỏi này theo đúng bản văn gốc bằng tiếng Hy-lạp như vậy, đừng tự tiện sửa lời người kể, như một số bản dịch Âu-Mỹ (1). Họ không có gì ăn thì Chúa đã dọn sẵn bữa ăn cho họ, khi lên bờ họ mới thấy. Bữa ăn này trước hết gợi lại bữa ăn Chúa đãi đám đông trên núi bên bờ hồ này. Sửa lời người kể sẽ làm mất âm vang, một nét đặc trưng của “văn Gio-an” mà chúng ta đã liên tục thưởng thức khi đọc mỗi trang. Chúng ta sẽ thấy những âm vang khác nữa

Người đứng trên bờ chỉ cho họ chỗ thả lưới. Họ ngoan ngoãn làm theo. Đừng vội chia trí bình luận tại sao họ nghe theo, kẻo lạc đề. Kết quả : Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Một lời của người đứng trên bờ lại cho họ bắt nhiều cá đến như thế. Có một người trên thuyền nhận ra ngay. Vẫn là “người môn đệ được Đức Giê-su thương mến”. Ông có tầm nhìn xa và sâu hơn Tôn ngộ Không ! Ông nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Lời này vang bên tai làm ông Phê-rô như bị điện giật. “Ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.”

Trước hết tôi xin sửa bản dịch cho sát : “Ông Phê-rô vội lấy áo quấn ngang thắt lưng vì đang trần truồng”. Đừng sửa lời người kể, vì thấy chói tai. Hãy lặng nghe âm vang của nó vọng lại ba chương đầu sách Sáng Thế, mà chúng ta đã gặp nhiều lần trong sách Tin Mừng này. Trước hết, ông Phê-rô chỉ thấy mình trần truồng khi nghe “Chúa đấy !” Ông làm gì ? “ông lấy áo quấn ngang thắt lưng”.Rồi “ông nhảy xuống biển”. Tại sao ? Ông có dư thời giờ để mặc áo vào kia mà ! Sao ông lại nhảy xuống biển, bỏ mặc các ông khác vừa chèo thuyền vừa kéo theo lưới nặng đầy cá vào bờ ? Người kể không giải thích.

Bút pháp cố hữu của Gio-an khiến chúng ta phải nghe theo âm vang, đọc lại sách Sáng Thế. Sau khi con người và vợ ăn trái cấm thì “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả(2) làm khố quấn ngang lưng. Nghe thấy tiếng Đức Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườnđể tránh mặt Đức Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?”. Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con trốn” (St 3,7-10).

Đêm Chúa Giê-su bị “bố già” Khan-na “hỏi thăm”, sau khi ông Phê-rô chối Thầy lần thứ ba thì gà gáy. Gio-an không kể tiếp về ông như các Tin Mừng Nhất Lãm. Sáng nay ở bờ hồ Gio-an gợi so sánh với tình huống của con người trong vườn địa đàng để giúp ta đọc tâm trạng của ông Phê-rô khi đối diện với Chúa. Ông thấy mình trần truồng trước mặt Chúa, ông lấy áo làm “khố vải” quấn ngang thắt lưng. Ở giữa biển thì trốn vào đâu ? Độn thủy !

Bữa ăn dọn sẵn trên bờ

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Ta bỗng thấy các ông khác lên bờ. Các ông thấy gì ? Các ông nghe gì ? Các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, có cả bánh nữa. Chưa thấy lại ông Phê-rô. Ông lặn kỹ thế ! Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” Bỗng lại thấy ông Phê-rô leo lên thuyền, trở về vị trí người khởi xướng chuyến đi lưới này. Người kể làm như đạo diễn cho “lên màn hình” : cận ảnh một mình ông Phê-rô kéo lưới lên bờ ! Tổng kết mẻ cá : cá lớn, 153 con. Lưới không rách. Mẻ cá này là câu chuyện giữa ông Phê-rô với Chúa Giê-su.

Ta hãy theo ánh mắt ông Phê-rô nhìn đống than hồng. Nó gợi ông nhớ cái gì ? Suốt đời ông làm sao quên được cái đống than hống ấm áp trong sân dinh thượng tế Khan-na trong đêm Thầy bị bắt bị trói, bị dẫn về đây, bị “bố già” “hỏi chuyện” “về môn đệ và giáo lý của Người” (18,18). Hồi nãy ông đã “độn thủy” vì nghe “Chúa đấy !”. Bây giờ lại thấy cái đống than hồng này… Ôi ! Phải chi ông có phép “độn thổ” ! Ông chỉ biết cúi đầu thinh lặng làm theo lệnh Chúa.

Chờ các ông xong việc gỡ cá, Chúa nói : “Anh em đến mà ăn”. Hồi nãy họ thú nhận không có gì ăn. Bây giờ Chúa đã dọn sẵn bữa ăn cho họ, cá và bánh, giống bữa ăn Chúa đãi đám đông hôm nào, cũng ở gần đâu đây bên Biển Hồ này. Người kể cho chúng ta biết tâm trạng kỳ lạ của các ông : “Không ai trong các ông dám hỏi “Ông là ai”, vì các ông biết rằng đó là Chúa”. Cách diễn tả này làm ta thắc mắc. Một đàng thì biết rằng đó là Chúa, một đàng thì “không dám hỏi”. Nói “không dám” có nghĩa là trong bụng muốn hỏi nhưng không dám. Có vẻ “đã biết” nhưng vẫn thèm được biết rõ hơn ? Đó lá cái biết nhờ đức tin mà thánh Phao-lô diễn tả : “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1 Cr 13,12).

Chúa Giê-su đến, tự tay “cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá, Người cũng làm như vậy”. Kiểu nói gợi lại cách Chúa đãi dân chúng ăn ở trên núi (x. 6,11) ; khác là ở bữa tiệc trên núi thì Chúa Giê-su lên núi, Chúa cầm lấy bánh, “dâng lời tạ ơn” ; hôm nay thì Chúa “đến”. Khi nói về sự hiện diện của Chúa sau khi phục sinh thì Gio-an dùng động từ “đến” : “Thầy đến cùng anh em” (14,18.28). Trình thuật này không nói đến “tạ ơn”, vì hôm nay Chúa đã được tôn vinh và đến trong tư cách là Chúa.

Chúa nói chuyện với ông Si-môn Phê-rô

Bữa ăn hôm nay các ông ăn trước mặt Chúa, vì các môn đệ do Phê-rô cầm đầu, biết là Chúa đang ở với các ông và chính tay Ngài trao bánh và cá cho các ông. Hôm đãi tiệc ở trên núi thì sau khi dân chúng ăn no nê, Chúa bảo các môn đệ “đi thu những miếng thừa kẻo phí đi”. Hôm nay thì khi các môn đệ ăn xong, Chúa Giê-su nói với ông Si-môn Phê-rô.

Hình ảnh này gợi lại bữa ăn sau khi Thiên Chúa ban Giao Ước ở núi Xi-nai :

Ông Mô-sê đi lên núi cùng với ông A-ha-ron, Na-đáp, A-vi-hu và bảy mươi hai người trong hàng kỳ mục của Ít-ra-en. Họ nhìn thấy Thiên Chúa của Ít-ra-en… họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, và sau đó họ ăn uống (3). Sau đó Thiên Chúa phán với ông Mô-sê : ‘Hãy lên núi với Ta và ở lại đó’ (Xh 24,9-12).

Câu chuyện buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần và tám ngày sau công bố sự hoàn thành của Giao Ước Mới. Gợi lại bữa ăn của ông Mô-sê và các kỳ mục sau khi thiết lập Giao Ước Xi-nai, tiếp nối toàn bộ ý nghĩa Giao Ước Mới trong Chúa Giê-su Ki-tô. Ở sách Xuất Hành Thiên Chúa gọi ông Mô-sê lên núi để nhận Bia Chứng Ước, ở đây Chúa Giê-su nói với ông Phê-rô để trao sứ mạng mục tử cho ông. Bấy lâu nay Chúa ở giữa các môn đệ và “canh giữ họ” như mục tử gương mẫu. Bây giờ Chúa đã lên trong vinh quang của Cha, Chúa trao cho ông Phê-rô sứ mạng thay mặt Chúa như mục tử hữu hình để chăn dắt đàn chiên của Chúa. Có sáu người môn đệ khác làm chứng, bốn người có tên và hai người ta không biết tên.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh cómến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”

Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có,Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mếnThầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”

Chúa gọi ông Phê-rô cách long trọng khi xướng tên gọi và tên họ (4) của ông cả ba lần hỏi. Câu hỏi thứ nhất có sự so sánh : “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Câu trả lời thứ nhất : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa trao cho ông sứ mạng : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”.

Hỏi lần thứ hai, Chúa bỏ sự so sánh : “Anh có mến Thầy không ?” Câu trả lời như lần trước. Chúa trao sứ mạng : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.

Hỏi lần thứ ba : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Câu trả lời lần thứ ba : “Thầy biết mọi sựThầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa trao sứ mạng : “hãy chăm sóc chiên của Thầy”.

Bản dịch đã cố gắng thể hiện sự thay đổi từ ngữ trong bản văn Hy-lạp : hai động từ khác nhaumến và yêu mến, hai động từ khác nhau về chăn chiên và hai từ khác nhau về chiên : chăm sóc chiên conchăn dắt chiênchăm sóc chiên.

Khi hỏi lần thứ nhất, Chúa Giê-su nêu sự so sánh. Sau đó Chúa bỏ sự so sánh.

Khi trả lời lần thứ nhất và lần thứ hai, ông Phê-rô nại đến “Thầy biết”, lần thứ ba thì ông Phê-rô buồn vì Chúa hỏi đến lần thứ ba, ông nại đến “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Khi trao sứ mạng lần thứ nhất, Chúa nói : Hãy chăm sóc chiên con của Thầy, lần thứ hai Chúa nói : Hãy chăn dắt chiên của Thầy, lần thứ ba : hãy chăm sóc chiên của Thầy.

Cả một bản hòa tấu rất tinh vi, gây nên nhiều cách bình luận, giải thích mà ta có thể đọc trong sách của các nhà chú giải bác học cũng như các nhà giảng thuyết hùng biện. Chúng ta không thể bỏ qua chuyện này, nhưng trước hết cần đọc hết bản văn đã.

Sau câu trả lời thứ ba của ông Phê-rô và câu trao sứ mạng lần thứ ba của Chúa, thì Chúa nói thêm với một công thức mạc khải quan trọng và quen thuộc trong các sách Tin Mừng “Thầy bảo thật cho anh biết”. Người kể cho chúng ta biết ý nghĩa lời bí ẩn : “Chúa ám chỉ ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”.

Kết thúc cuộc nói chuyện, Chúa bảo ông : “Hãy theo Thầy”.

Để hiểu ý nghĩa đoạn văn này, chúng ta đừng vội suy diễn cách lãng mạn. Hãy lần theo mối dây, trở lại trong chính sách Tin Mừng này, đặc biệt chương 15, Chúa nói về tương quan yêu mến giữa Ngài với Chúa Cha, giữa Ngài và Chúa Cha với các môn đệ, giữa các môn đệ với nhau. Chương 10, Chúa nói về tương quan giữa mục tử và chiên. Chúa Giê-su và ông Phê-rô trong bữa Tiệc Ly (ch. 13). Sách I-sai-a về việc Thiên Chúa đưa dân lưu đầy trở về như chăm sóc và dẫn dắt dàn chiên (Is40,11). Thánh vịnh 139/138 : Thiên Chúa biết hết tư tưởng, lòng dạ con người.

Câu hỏi lần thứ nhất, sự so sánh “anh có mến Thầy hơn các anh em này không” hiện rõ ngay như ám chỉ tới những lời ông Phê-rô cam kết với Chúa trong bữa Tiệc Ly, và thực tế đã diễn ra đúng như lời Chúa báo trước (x. 13,36-38). Câu trả lời của ông Phê-rô hôm nay rất khiêm tốn, ông chỉ còn dựa vào sự thông biết của Chúa. Chúa biết lòng ông như thế nào, dù trong lúc cần tự bảo vệ, ông đã mở miệng chối Thầy, nhưng trong lòng ông thì ông vẫn yêu mến Thầy. Ông đã tỏ ra biết mình là ai, nên khi hỏi lần thứ hai Chúa “tha” cho ông nỗi lúng túng kia, không so sánh nữa.

Mắt nhìn đống than hồng, tai nghe Chúa hỏi đến lần thứ ba, thì ký ức ba lần chối Thầy bên đống than hồng của bọn thuộc hạ trong sân dinh thượng tế như sống lại trước mắt ông, khiến ông đau buồn. Nhưng nỗi đau buồn làm cho ông càng hạ mình sâu thẳm hơn, hoàn toàn thoát khỏi “cái tôi tầy đình” của ông mà đặt hết tin tưởng vào sự thông biết vô cùng của Chúa : “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139/138,4).

Ông Phê-rô đã tôn mình lên trên anh em thì Chúa giúp cho ông hạ mình xuống, nhận mình là kẻ rốt hết trong anh em, không đáng gọi là tông đồ. Thánh Phao-lô sẽ thú nhận như vậy : “Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa.” (1 Cr 15,8-10).

Để đặt một con người làm mục tử hữu hình cho đoàn chiên của Chúa, Chúa chẳng hỏi gia thế, địa vị xã hội hay bằng cấp, Chúa chỉ hỏi về lòng yêu mến Chúa thôi. Bởi lẽ đoàn chiên là của Chúa, chứ không phải là của mục tử. Ba lần Chúa nói “Chiên của Thầy”. Người chăn chiên Chúa đặt chỉ có thể hết lòng săn sóc, chăn dắt đoàn chiên của Chúa nếu thật sự yêu mến Chúa và diễn tả lòng yêu mến ấy bằng cách tận tình chăm sóc đàn chiên của Chúa. Chúa không cần ông Phê-rô thí mạng vì Chúa như đã ông cam kết, nhưng Chúa lại cần ông thí mạng vì đoàn chiên của Chúa, như Chúa đã thí mạng vì ông và vì đoàn chiên của Chúa.

Thánh Phê-rô sẽ khuyên những người được Chúa đặt làm mục tử : “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho an hem : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, nhưng không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa trao cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,2-3).

Chiên con và chiên (mẹ)

Chúa lần lượt dùng hai từ “chiên con” và “chiên” (hiểu là chiên cái, chiên mẹ), gợi lên hình ảnh trong sách I-sai-a nói về cách Thiên Chúa dẫn dân của Ngài từ nơi lưu đầy trở về : “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.” (Is 40,11). Đây là điều sơ đẳng trong cách dẫn đoàn chiên đi đường xa, mà ông Gia-cóp đã viện ra để thoái thác việc Ê-sau đề nghị cùng đi với nhau : “Ngài biết là lũ trẻ con yếu ớt, còn tôi phải lo cho đám chiên và bò đang cho con bú ; nếu hối thúc chúng, dù một ngày thôi, thì chiên dê sẽ chết hết” (St 33,13). Ngày nay nghề chăn chiên vẫn tuân theo qui luật đó. Người chăn một đàn chiên dê nhỏ, buổi chiều lúc dẫn chiên dê về, họ ẵm chiên con mới sinh trong lòng, để mẹ nó đi theo đàn cho kịp. Chúa dùng hai từ để bao gồm trọn đoàn chiên, con mạnh cũng như con yếu. Trong một đàn chiên thì chiên cái và chiên con mới làm lợi, chỉ cần rất ít chiên đực. Đọc cách thức Gia-cóp chuẩn bị gặp Ê-sau bằng cách bố trí những đàn vật ông cho dẫn đi trước để làm quà biếu Ê-sau, mong làm hòa với ông anh đã từng muốn giết Gia-cóp, ta thấy được tỷ lệ con đực con cái trong cách cấu tạo một đàn vật : “Hai trăm dê cái và hai mươi dê đực, hai trăm chiên cái và hai mươi chiên đực, ba mươi lạc đà cái đang cho con bú và con của chúng, bốn mươi bò cái và mười bò đực, hai mươi lừa cái và hai mươi lừa con” (5) .

Chăm sóc và chăn dắt

Hai từ Hy-lạp dùng ở đây có sắc thái hơi khác nhau một chút, từ chúng tôi dịch là chăm sóc có nghĩa chủ yếu là dẫn chiên đi ăn ; từ chúng tôi dịch là chăn dắt bao gồm toàn bộ việc dẫn đi ăn và săn sóc, bảo vệ đoàn chiên. Trong tiếng Hy-lạp, động từ chăn dắt và danh từ người chăn chiên cùng gốc với nhau (6). Chúa Giê-su là người chăn chiên đẹp, lý tưởng, dẫn chiên của mình đi ăn và sẵn sàng thí mạng vì đàn chiên (7) ; người chăn thuê, cũng dẫn chiên đi ăn, nhưng chiên không phải của anh ta, nên thấy sói thì anh ta bỏ chạy thoát thân (x. 10,1-14). Chúa dùng cả hai động từ, như đề cập toàn bộ việc chăn chiên và đòi ông Phê-rô phải thí mạng vì đoàn chiên của Chúa, giống như Chúa.

Mến và yêu mến

Chúng tôi dùng hai động từ tiếng Việt để dịch hai động từ trong bản văn Hy-lạp trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với ông Phê-rô và trong cả sách Tin Mừng Gio-an. Ở đây không dựa trên từ điển mà dựa trên bản văn của Gio-an, không những sách Tin Mừng mà cả các thư và sách Khải Huyền nữa.

Động từ dịch là MẾN, luôn dùng để nói về tình yêu giữa Chúa Cha với Con và giữa Con với Chúa Cha, giữa Chúa Giê-su với môn đệ và môn đệ với Chúa và với nhau. “Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến” ; trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói Áp-ra-ham (8) là “Người mà Ta thương mến”, “Người yêu dấu của Ta” (Is 41,8 ; 2 Sb 20,7). Trong thư thứ nhất, Gio-an sẽ dùng cùng một từ gốc này khi nói “Thiên Chúa là tình Yêu” (1 Ga 4,8). Trong cuộc đối thoại với ông Phê-rô, Chúa Giê-su dùng động từ MẾN còn ông Phê-rô dùng động từ YÊU MẾN. Khi hỏi đến lần thứ ba thì Chúa Giê-su cũng dùng động từ YÊU MẾN

Trong tiếng Hy-lạp thì động từ thứ hai này nói về tình bè bạn, ái mộ. Nhiều từ trong các tiếng Tây phương ghép với “phi-lô” chỉ về sự ái mộ, thích, như philatelie : thích sưu tầm tem thơ ;philosophie /y : ái mộ sự khôn ngoan, tức là triết lý, triết học. Các bậc hiền triết Hy-lạp và Rô-ma rất trọng tình bạn, người bạn là “phân nửa hồn tôi”, và giữa hai người bạn thì mọi sự là của chung. ThưGia-cô-bê gọi Áp-ra-ham là “bạn của Thiên Chúa” [philos] (Gc 2,23). Chúa Giê-su nói với các môn đệ : “La-da-rô bạn của chúng ta” [philos] (Ga 11,11). Chúa Giê-su đã coi các môn đệ là bạn hữu, “vì tất cả những gì nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Trong tình bạn ấy Chúa Giê-su trao cho ông Phê-rô trọn cả đoàn chiên của Chúa, để ông chăm sóc, chăn dắt giữ gìn và sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên của Chúa, như chính Chúa đã làm để sắm lấy đoàn chiên ấy.

Lúc còn trẻ và khi về già

Ngay sau lời ân cần trao đoàn chiên của Chúa cho ông Phê-rô chăn dắt, Chúa nói cách long trọng : “Thầy bảo thật cho anh biết” ; Chúa dùng hình ảnh con người khi còn trẻ thì chủ động, tự thắt lưng lấy và đi đâu mình muốn, khi về già thì thụ động, “phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi mình không muốn”. Hình ảnh này tự nó là thân phận tự nhiên của con người. Nhưng người kể cho ta biết Chúa muốn nói gì, có lẽ vì đã biết kết cuộc thân phận thánh Phe-rô tại Rô-ma. Nhưng trong mạch văn Chúa trao đón chiên cho ông dẫn đi ăn và bảo vệ giữ gìn, thì ông Phê-rô sẽ phải thí mạng vì đoàn chiên. Trong bữa Tiệc Ly, ông Phê-rô cam kết sẵn sàng thí mạng vì Chúa Giê-su, Chúa như bảo ông “hãy đợi đấy” : “Anh sẽ thí mạng vì Thấy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy anh đã chối Thầy ba lần”. Hôm nay cũng với công thức long trọng ấy, Chúa công bố nhận món quà của ông : thí mạng – nhưng không phải vì Chúa nữa, mà vì đoàn chiên của Chúa mà Chúa ủy thác cho ông.

Hãy theo Thầy

Nói thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy !”

Sách Xuất Hành kể về Mô-sê trong Lều Hội Ngộ : “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt như một người nói với bạn của mình”. Trong cuộc đàm đạo ấy, ông Mô-sê đã nhắc lại việc Thiên Chúa sai ông đưa dân đi lên khỏi Ai-cập, để tới Đất Hứa, vì ông được nghĩa với Thiên Chúa, rồi ông năn nỉ Thiên Chúa : “Xin khấng tỏ cho con đường lôi của Ngài, để con biết Ngài và được nghĩa với Ngài. Xin cũng coi dân tộc này là dân của Ngài. Đức Chúa phán : “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi.” Ông Mô-sê thưa với Người : “Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây…Đức Chúa phán, ngay cả điều người vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta và Ta biết đích danh ngươi” (Xh 33,11-17). Sau đó Thiên Chúa truyền ông lên núi một mình đứng đó chờ. Thiên Chúa xuống đứng với ông, tái lập Giao Ước với dân và ban lại Bia chứng Ước cho ông Mô-sê (x. Xh 34,1-28).

Câu chuyện giữa Chúa Giê-su với ông Phê-rô hôm nay phảng phất nhiều nét giống cuộc đàm đạo của ông Mô-sê trong Lều Hội Ngộ, nhưng cũng có những nét rất riêng.

Ông Phê-rô đã theo Chúa lâu rồi, nhưng Trong một đêm ông đã chối Chúa ba lần trước khi gà gáy. Hôm nay trong nắng ban mai bên Biển Hồ, Chúa long trọng gọi đích danh ông trước mặt sáu nhân chứng, tái lập tình bạn với ông và trao cho ông sứ mạng giống với sứ mạng của Mô-sê. Chúa gọi ông đi theo Chúa, không chỉ như các môn đệ khác, nhưng với một sứ mạng riêng và một cách thức riêng. Ông Mô-sê được Thiên Chúa hứa “Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi”, nhưng chưa cho biết cách nào. Còn ông Phê-rô thì đã được Chúa cho biết phải theo “Mục Tử Đẹp” đến tận thập giá.

Ông Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến

Chúng ta đã gặp hai vị này với một liên hệ đặc biệt từ trong bữa Tiệc Ly, rồi ở mộ và sáng nay trong chuyến đi đánh cá tại Biển Hồ. Chúa gọi ông Phê-rô “Hãy theo Thầy”. Nhưng “ông Phê-rô quay lại thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Người kể còn nhắc cho chúng ta nhớ chi tiết xảy ra trong bữa ăn tối hôm ấy để xác định lại vẫn là ông ấy đấy. Hôm cùng nhau chạy ra mộ thì hai người cùng chạy, nhưng ông này đến mộ trước ông Phê-rô. Hôm nay thấy ông Phê-rô được Chúa gọi và đi theo Chúa thì ông cũng đi theo đàng sau. Bây giờ thì ông Phê-rô đã biết rõ Chúa chờ đợi gì ở mình và đang ở gần Chúa hơn, nên hỏi Thầy : “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?

Chúa trả lời : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.” Câu trả lời của Chúa thoạt nghe có vẻ hơi gay gắt. Chúa gọi ông theo Chúa thì ông cứ việc đi theo, chuyện “anh này” vẫn là “người môn đệ Chúa thương mến” thì Chúa có chương trình của Chúa, can gì đến ông mà ông phải thắc mắc ! Nhưng câu trả lời này vẫn có vẻ bí ẩn, khiến thế hệ ban đầu đã thắc mắc và suy đoán. Họ nghĩ rằng Chúa sắp đến phán xét, nên có lẽ là ông ấy sẽ không chết cho tới khi Chúa đến (x. 1 Tx 4-5 và 2 Tx 2). Người kể cũng không giải thích cho chúng ta mà chỉ cho biết rằng cách suy đoán kia ra ngoài câu nói của Chúa. Vậy thì chúng ta đừng phí thời giờ thêm về chuyện này.

Dù sao ta có cảm tưởng ông Phê-rô và người môn đệ Chúa Giê-su thương mến có vẻ như một cặp bài trùng, lúc nào cũng có nhau. Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến luôn theo sau “người môn đệ yêu mến Thầy”, cả khi đã chạy tới mộ trước cũng đứng lại bên ngoài, chờ ông Phê-rô vào rồi mới theo vào sau.

Sách không bao giờ kể Chúa Giê-su có hỏi người môn đệ Chúa thương mến hay môn đệ nào khác “con có mến Thầy không”, mà chỉ hỏi ông Phê-rô, và hỏi tới lần thứ ba. Ông Phê-rô đã cam kết là mình yêu mến Thầy đến sẵn sàng thí mạng vì Thầy. Ông đã thất bại, chối Chúa ba lần trong một đêm. Hôm nay thì Chúa cho ông dịp để tuyên xưng ba lần “Con yêu mến Thầy”, nhưng không dám vỗ ngực mà chỉ dựa vào Chúa. “Xin Ngài xem con con có lạc vào đường gian ác, mà dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139/138,24).

Như một tranh thánh phương đông (icône / icon), hình ảnh hai vị theo nhau trên cùng một mặt phẳng gợi cho ta sự gắn liền giữa được Chúa thương mến và được thương mến Chúa. Hai khía cạnh không thể tách rời trong đời sống của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Hội Thánh là đoàn chiên được Chúa yêu mến và đã thí mạng để sắm lấy cho mình : “Người đã yêu mến chúng ta và đã lấy máu mình rửa sạch tỗi lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người.” (Kh 1,5-6). Nguy cơ là “ngươi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã quở trách dân Ít-ra-en bội bạc, đem những gì Chúa ban do lòng yêu thương của Chúa, đi tế lễ cho các thần khác. Nhưng Chúa quyết hành động để chinh phục lại (x. Ed16 ; Hs 2,16-25). “Tình Yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thếchúng ta cũng phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1 Ga 4,9-12).

Ba lần thánh Phê-rô tuyên xưng “con yêu mến Thầy” thì ba lần Chúa đáp lại bằng cách trao cho ông chăn dắt chiên của Chúa. Và sau đó Chúa loan báo “ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa”. Chúa Giê-su đã chết để tỏ lòng yêu mến Cha, để tôn vinh Cha (x. 14,41). Nhưng là chết vì yêu mến chúng ta, theo ý của Cha. Chúa Giê-su không cần ông Phê-rô chết thay cho Chúa hay vì Chúa, nhưng chết cùng với Chúa và giống như Chúa : vì đoàn chiên của Chúa. Chúa Giê-su đã cho chúng ta điều răn mới, một điều thôi : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (13,34).

Trong gia đình Việt Nam ta, “nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ chấp nhận mọi gian nan vất vả vì con cái, niềm vui và hãnh diện của cha mẹ là thấy con cái yêu thương nhau và đứa lớn biết lo cho đứa bé, để đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Thiên Chúa cũng chỉ muốn con cái yêu thương nhau và trở thành cuộc hiển linh của Thiên Chúa, dấu chỉ cho mọi người nhận biết “Thiên Chúa là Tình Yêu” và đang hiện diện trong cộng đoàn những người theo “Đạo Yêu Nhau”, như thế hệ Ki-tô hữu ban đầu ở Việt Nam đã chứng tỏ (x.Thư của cha Gaspar d’Amaral, Dòng Tên, 31/12/1631 báo cáo về Hội Thánh ở Đàng Ngoài).

L.M.Nguyễn công Đoan S.J.

(1) Hai bản dịch tiếng Pháp nổi tiếng, Bible de Jérusalem  Traduction Œcuménique de la Bible dịch như thế. BảnNew American Bible : “có bắt được cái gì ăn không ?”. Bản dịch tiếng Anh mẫu mực King James, bản dịch tiếng Tây ban Nha của Luis Alonso Schoekel (Thầy của tôi !) ủng hộ cách dịch của chúng tôi.

(2) Cây vả có lá to nhất trong các cây ăn trái quen thuôc, giống như lá cây Xa-kê ở miền Nam nước ta.

(3) Bản Híp-ri dịch sát : “họ chiêm ngưỡng Thiên Chúa và họ ăn, và họ uống”. Bản Hy-lạp LXX đã né : “họ thấy chỗ Thiên Chúa đứng” cho hợp với câu Thiên Chúa trả lời khi ông Mô-sê xin được “thấy vinh quang của Thiên Chúa” : “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con gười không thể thấy Ta mà vẫn sống” (Xh 33,20).

(4) Người Do-thái không có tên họ theo kiểu Việt-nam, tên gọi kèm theo tên cha (con ông… thời đó dùng tiếng A-ram là bar-nay dùng tiếng Híp-ri là ben-), nếu cần thì thêm tên ông nội ; vì thế khi làm giấy tờ họ hỏi tên cha. Khi nói tên một người mà kèm theo “con bà…” là tỏ ý khi dể, coi như con không cha, con hoang ; trong Mc 6,3 dân làng Na-da-rét nói về Chúa Giê-su : “ÔNG ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a…”. Mấy năm trước đây, xảy ra vài ba vụ kẻ quá khích viết phạm thượng huỵch toẹt bằng tiếng Do-thái lên tường tu viện, nhà thờ, ở Giê-ru-sa-lem và Ga-li-lê : “Giê-su con của gái điếm” (Yehosua ben Zona). Dĩ nhiên là cảnh sát Ít-ra-en chẳng bao giờ tìm ra thủ phạm !

(5) Để ý là lạc đà và lừa thì chỉ biếu lạc đà cái đang cho con bú với con của chúng, lừa cũng vậy, không cần biếu lạc đà đực và lừa đực. Lý do là hai loài này khi tới cữ thì tự đi tìm con đực, không cần nuôi trong đàn. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a sẽ dùng hình ảnh này để diễn tả lòng mê thích tà thần của dân Ít-ra-en : “Con lạc đà cái non dại chạy lăng xăng khắp mọi nẻo đường, con lừa cái hoang quen thói trong sa mạc, nổi cơn them khát lên thở hổn hà hổn hển ? Chứng động cỡn của nó ai mà ghìm được ? Muốn tìm kiếm nó, đâu khó nhọc gì, cứ đến tháng của nó là gặp được thôi” (Gr 2,23-24). Cũng do thói quen này của họ nhà lừa mà xảy ra chuyện “các con lừa cái của ông Kít, cha ông Sa-un đi lạc “và ông Kít sai Sa-un đi tìm… (x. 1 Sm 9,3)

(6) Động từ poimaino –danh từ poimen.

(7) Đa-vít vật tay đôi với sư tử để giựt con chiên ra khỏi hàm sư tử (x. 1S 17, 34-35)

(8) Người Hồi Giáo gọi Áp-ra-ham là El Khalil (Người Yêu Dấu), Bạn của Thiên Chúa ; Khép-rôn là nơi có mộ của Áp-ra-ham được gọi như thế. Cổng phía Tây thành mở ra phía đường đi Khép-rôn gọi là Bab El Khalil.

 


Trang Kinh Thanh