2. "PHÚC CHO NGƯỜI LÀ KẺ ÐÃ TIN".

 

MARIA ÐẦY LÒNG TIN.

 

Ðọc bức thư sống động là Ðức Maria sẽ giúp chúng ta khám phá ra "văn phong" của Thiên Chúa. Ðức Maria là ví dụ sống động về cách thức hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ. Tertullien viết : "Không gì làm trí óc con người phải kinh ngạc sững sờ bằng sự đơn giản trong các công trình Thiên Chúa thực hiện trước mắt chúng ta, sánh với sự kỳ vĩ của những hiệu quả phát sinh từ đó . Ðơn giản và mạnh mẽ, đó là những đặc tính của Thiên Chúa, tầm thường thay sự cứng lòng tin của con người khi phủ nhận những đặc tính đó nơi Thiên Chúa ! 1". Câu nói ám chỉ đến những hiệu quả lớn lao của Phép Rửa cũng như sự đơn giản của các phương tiện,các dấu chỉ bên ngoài, của ngẫu tượng, trong đó, nếu muốn đạt được kết quả tốt hơn, gây ấn tượng sâu xa hơn, thì người ta lại càng phải phô diễn, bố trí, tiêu phí nhiều hơn".

 

Những gì liên quan đến Ðức Maria và việc Ðấng Cứu Thế đến trong thế gian cũng mang tính chất như thế. Ðức Maria là ví dụ cho cách hành động không cân đối của Thiên Chúa, không cân đối giữa điều nhìn thấy được từ bên ngoài và điều được thực hiện bên trong. Nhìn từ bên ngoài thì Maria là gì, nơi thôn làng của mình ? Chẳng có gì đáng chú ý cả. Ðối với bà con họ hàng, với người đồng hương, Người có lẽ chỉ đơn giản là "Myriam", một thiếu nữ khiêm tốn, hẳn là dễ thương, nhưng không có gì đặc biệt và khác thường cả. Cần phải nhớ lấy sự thực đó luôn trong tâm trí để tránh làm tan biến khuôn mặt của Ðức Maria như các tranh ảnh thánh hay lòng đạo đức bình dân thường làm, phóng chiếu khuôn mặt của Người lên một thế giới nhẹ tênh, bay bổng, thoát thể, trong khi Người là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể ! Về Ðức Maria, cần phải luôn nhớ đến hai đặc tính trong văn phong của Thiên Chúa : đơn giản và kỳ vĩ. Nơi Ðức Maria, sự kỳ vĩ của ân sủng và của ơn gọi đi đôi với sự đơn giản đến mức tuyệt đối.

 

Trong tinh thần đó, chúng ta sẽ bắt đầu đọc "chương" thứ hai trong bức thư sống động của chúng ta, chương về lòng tin.

 

"Này tôi là tôi tá Chúa ."

 

Khi đến nhà Elisabeth, Maria đã được đón tiếp trong niềm vui mừng hoan hỷ, và Elisabeth, được đầy Thánh Thần đã kêu lên : "Phúc cho người là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Người sẽ được thực hiện" (Lc 1, 45). Luca, tác giả Phúc Âm, đã lợi dụng đoạn nói về việc thăm viếng để cho chúng ta biết về những gì xảy ra trong âm thầm lặng lẽ tại Nazareth, những điều mà chỉ qua cuộc đối thoại với người chị họ mới tỏ lộ ra, và mang một tính chất khách quan và công khai.

 

"Ðiều cao cả" xảy ra tại Nazareth, sau lời chào của thiên thần, đó là việc Maria "đã tin", và như thế, Người đã trở thành "Mẹ Chúa". Chắc chắn rằng tiếng "đã tin" liên hệ đến lời đáp của Ðức Maria : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo Lời Ngài" (Lc 1, 38). Hành vi tin lớn lao nhất, quyết định nhất torng lịch sử nhân loại đã được bày tỏ bằng những lời ngắn gọn và đơn sơ đó. Lời đáp của Ðức Maria "là tột đỉnh của mọi thái độ tôn giáo trước Thiên Chúa, vì nó diễn tả cách cao vời nhất thái độ sẵn sàng thụ nhận với sự mau mắn chủ động, diễn tả một sự trống không sâu thẳm nhất với sự sung mãn lớn lao nhất 2". Origène viết : "Với lời đáp đó, Maria như muốn thưa lên với Thiên Chúa : ‘Này con đây, con là bản viết, xin văn nhân cứ viết điều Người muốn, xin Chúa của vạn sự dùng con theo như tôn ý của Người 3". Ông sánh ví Ðức Maria như bản sáp ong mà thời đó người ta dùng để viết. Ngày nay, hẳn chúng ta sẽ nói, Maria dâng hiến mình cho Thiên Chúa như một trang giấy trắng, trên đó Thiên Chúa có thể viết tất cả những gì Ngài muốn.

 

Maria cũng đặt cho thiên thần một câu hỏi : "Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến người nam" (Lc 1, 34), nhưng người hỏi như thế hoàn toàn khác với Zacharia. Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng là để biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào. Nghĩ mình không biết đến người nam, Maria hỏi để biết phải hành xử thế nào, phải làm gì.

 

Qua điều này, Ðức Maria chỉ cho chúng ta biết, trong một số trường hợp, chúng ta không thể đòi hỏi hiểu cho bằng được ý của Thiên Chúa hay nguyên nhân của các hoàn cảnh xem ra phi lý, nhưng trái lại, ta có thể xin Chúa soi sáng trợ giúp để có thể thực hiện Thánh Ý Ngài.

Lời Fiat của Ðức Maria vì thế vẫn là lời xin vâng trọn vẹn và vô điều kiện. Chúng ta có thể liên hệ lời Fiat  của Ðức Maria với tiếng Fiat vang lên vào những thời điểm mấu chốt khác trong lịch sử cứu độ : Tiếng Fiat của Thiên Chúa, lúc Khởi Nguyên, tiếng Fiat của Ðức Giêsu trong công trình cứu thế. Cả ba tiếng Fiat đó biểu lộ hành vị của ý chí, một quyết định. Tiếng thứ nhất, nghĩa là tiếng Fiat lux ! (Hãy có ánh sáng), đó là tiếng "Fiat" thần linh của một vì Thiên Chúa : thần linh trong bản tính của mình, thần linh trong ngôi vị thốt ra lời đó. Tiếng thứ hai, lời Fiat của Ðức Giêsu trong Vườn Dầu, là hành vi nhân linh của một vì Thiên Chúa : nhân linh, vì lời đó được nói lên theo ý chí nhân loại của Ngài ; thần linh bởi ý chí đó thuộc về ngôi vị của Ngôi Lời. Tiếng Fiat  của Ðức Maria là tiếng "vâng" nhân linh của một con người, một thụ sinh. Tất cả giá trị của tiếng Fiat này là do bởi ân sủng. Trước khi có tiếng "xin vâng" quyết định của Ðức Kitô, tất cả những gì hàm chứa sự ưng thuận của con người với công trình cứu chuộc đều được biểu lộ qua tiếng Fiat của Ðức Maria. "Trong một khoảnh khắc, một khoảnh khắc sẽ không bao giờ tàn phai, và sẽ có giá trị mãi mãi, lời của Ðức Maria đã là lời của nhân loại, và tiếng "xin vâng" của Người, là lời Amen của tất cả tạo thành trước tiếng "Fiat" của Thiên Chúa" (K. Rahner). Trong Ðức Maria, Thiên Chúa như thể kêu gọi đến sự tự do thụ tạo một lần nữa, mở ra con đường cho con người có thể đón nhận ơn cứu chuộc. Ðó là ý nghĩa sâu xa của cặp song đối Evà - Maria mà các Giáo Phụ cũng như tất cả truyền thống rất ưa chuộng. "Evà, khi còn là trinh nữ, đã đón nhận lời con rắn và đã hạ sinh sự bất tuân và sự chết. Ngược lại, Ðức Maria, Trinh Nữ, khi đón nhận trong lòng tin và niềm vui, tin mừng mà thiên thần Gabriel mang đến, đã thưa : Xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài 4". Những gì mà trinh nữ Evà quả thực đã buộc lại do sự cứng tin, thì Trinh Nữ Maria đã tháo gỡ nhờ bởi lòng tin của Người 5".

 

Lời của Elisabeth : "Phúc cho Người là kẻ đã tin" cho chúng ta thấy ngay từ trong Tin Mừng, chức vụ là Mẹ Thiên Chúa (maternité divine) của Ðức Maria không chỉ được hiểu như là một mẫu tính thể lý mà còn hơn thế, được hiểu như một mẫu tính thiêng liêng (maternité spirituelle), dựa trên lòng tin. Ðây cũng chính là tư tưởng của thánh Augustino khi ngài viết : "Ðức Trinh Nữ Maria sinh hạ trong lòng tin Ðấng mà Mẹ đã cưu mang trong lòng tin . Sau khi nghe lời thiên thần nói, Ðức Maria, vì là kẻ đầy lòng tin và cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong lòng dạ, đã đáp lại : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài 6". Sự tràn đầy lòng tin nơi Ðức Maria tương ứng với ân sủng  đầy tràn do bởi Thiên Chúa, fide plena tương ứng với gratia plena.

 

Một mình với Thiên Chúa.

 

Thoạt nhìn, lòng tin của Ðức Maria có vẻ là một hành vi dễ dàng, đương nhiên. Ðược trở nên Mẹ của một vị vua sẽ trị vì mãi mãi trên nhà Yacob, trở nên Mẹ của Ðấng Thiên Sai ! Ðấy không phải là ước mơ của mọi thiếu nữ Dothái sao ? Thế nhưng, đó là lối song luận quá ư phàm nhân, xác thịt. Ðức tin đích thực không bao giờ là một ưu quyền hay một vinh dự, mà luôn luôn dưới một hình thái nào đó, là sự chết đi. Thiên Chúa không khi nào lừa dối, Ngài không bao giờ hành động một cách mánh lới, khiến thụ tạo ưng thuận bằng cách che giấu đi những hậu quả, những khó khăn sẽ xảy đến. Các lời kêu gọi quan trọng của Thiên Chúa cho thấy rõ điều đó. Với Yêrêmia, Ngài tuyên bố : "Chúng sẽ tuyên chiến với ngươi" (Yr 1, 19) ; về Saolô, Chúa báo trước với Hananya : "Chính Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nóphải chịu vì Danh Ta" (Cv 9, 16). Chẳng lẽ chỉ với Maria, trước một sứ vụ như sứ vụ của Người, Thiên Chúa hành động cách khác sao ?

 

Trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Ðấng đi kèm lời kêu gọi của Thiên Chúa, Ðức Maria chắc chắn thoáng nhận ra rằng con đường mình đi sẽ không khác với con đường của tất cả những kẻ được gọi. Vả lại, ngay sau đó, Simêon làm cho linh cảm đó thêm rõ nét khi ông báo cho biết một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Người.

 

Chỉ nguyên trên bình diện nhân loại thôi, Ðức Maria đã phải ở trong sự cô đơn hoàn toàn. Những gì xảy ra nơi mình, Người chưa biết giải thích cho ai bây giờ ? Khi nói với người ta rằng đứa trẻ mà mình đang mang thai là "công trình của Chúa Thánh Thần", liệu có ai tin Người không ? Một sự việc vô tiền khoáng hậu. Ðức Maria chắc chắn biết những điều ghi trong sách luật, đó là, nếu trong ngày cưới, tân nương bị khám phá không còn là trinh nữ thì nàng sẽ bị điệu đến trước cửa nhà cha mình và bị dân trong thành ném đá (x. Tl 22, 20tt). Ngày nay, chúng ta thường nói đến nguy cơ của đức tin và nguy cơ đó thường hiểu là nguy cơ về mặt tinh thần ; thế nhưng đối với Maria thì đây là một mối nguy hết sức cụ thể ! Carlo Carretto, trong tập sách nhỏ về Ðức Trinh Nữ Maria, kể lại việc mình đã khám phá ra lòng tin của Ðức Maria như thế nào. Thời gian sống trong sa mạc, qua một số bạn hữu ở Touaregs, ông nghe biết có một thiếu nữ trong trại đã hứa hôn với một thanh niên, nhưng vì còn quá trẻ nên chưa về chung sống. Ông liên hệ sự kiện đó với những điều mà thánh Luca nói về Ðức Maria. Hai năm sau, khi trở lại trại, ông hỏi thăm tin tức về cô gái, thấy những người nói chuyện với mình có vẻ lúng túng, sau đó một người trong họ đến với ông một cách hết sức kín đáo, làm một dấu hiệu : đưa tay ngang họng với cử chỉ đặc trưng của người Ảrập khi họ muốn nói : "Cô ta đã bị cắt cổ". Người ta khám phá cô có thai trước khi cưới và danh dự gia đình đòi buộc đi đến sự kết liễu đó. Lúc bấy giờ ông ta nghĩ lại Ðức Maria, nghĩ đến những cái nhìn nhẫn tâm, không thương xót của người dân Nazarét, những cái nháy mắt, và ông hiểu được nỗi cô đơn của Ðức Maria, ngay đêm ấy, ông chọn Người làm bạn đồng hành, xem Người như nhà giáo dục và như khuôn mẫu cho niềm tin của mình 7.

 

Nếu tin là "tiến bước trên một con đường mà tất cả các tấm biển đều báo : Lui lại ! Lui lại !", nếu tin như là "lênh đênh giữa trùng khơi, dưới chân là biển sâu thăm thẳm", nếu tin là "thục hiện một động tác qua đó ta thấy mình như hoàn toàn bị quăng ném vào cánh tay của Tuyệt Ðối" (tất cả những hình ảnh đó là của triết gia Kierkegaard), thì Maria chắc chắn là người tín hữu (kẻ tin) tuyệt vời, khôn sánh. Người thực sự ở trong tình trạng bị ném vào cánh tay Tuyệt Ðối. Người là kẻ duy nhất đã phải tin "trong tình thế đồng thời" (en situation de contemporanéité) nghĩa là trong khi sự việc xảy ra, trước khi có bất cứ một xác nhận hay bảo đảm nào từ các biến cố, từ lịch sử 8. Người đã tin trong sự cô đơn hoàn toàn. Ðức Giêsu nói với Thomas : "Bởi thấy Ta, ngươi đã tin, phúc cho ai không thấy mà tin !" (Yn 20, 29) : Maria là người đầu tiên trong số những kẻ đã tin dù chưa được thấy.

 

Ðàng khác, Ðức Maria đã tin ngay lúc ấy, trong chính giây phút ấy ; Người đã không do dự, không trì hoãn quyết định của mình, ngược lại, đã dấn thân lập tức trọn vẹn. Maria đã tin mình sẽ thụ thai một con trai, bởi tác động của Chúa Thánh Thần. Người đã không tự nhủ : "Ðược rồi, bây giờ mình xem điều gì sẽ xảy ra ; thời gian sẽ cho biết lời hứa lạ lùng ấy có đúng thực và có phải là lời hứa đến từ Thiên Chúa không". Không, Người đã không tự nhủ : "Nếu đúng là cây hoa hồng thì chúng sẽ trổ bông ." Cứ bình thường thì hẳn ai cũng sẽ nghĩ như thế ! Nhưng Maria thì không, Maria đã tin. Vì nếu Người đã không tin thì Ngôi Lời đã không thành xác phàm trong lòng Maria, và chính Người, một thời gian sau đó, đã không mang thai được ba tháng và Elisabeth sẽ không chào là : "Mẹ Chúa tôi".

 

Abraham cũng ở trong một hoàn cảnh tương tự khi ông được hứa ban một đứa con, dù ông đã cao niên. Với giọng điệu có vẻ như rất hoan hỷ, thán phục, Kinh Thánh nói : "Và Abraham đã tin vào Yavê và sự ấy đã kể cho ông như sự công chính" (Kn 15, 6). Ôi ! Nếu bây giờ áp dụng cho Ðức Maria thì ta có thể lập lại lời đó với niềm hỷ hoan đến như thế nào nữa ! Maria đã tin vào Thiên Chúa và sự ấy đã kể cho Người như sự công chính ! Và đó là hành vi công chính lớn lao nhất, chưa bao giờ có người  nào thực hiện được trên trần thế, sau hành vi của Ðức Giêsu. Nhưng Ðức Giêsu còn là Thiên Chúa.

 

Thánh Phaolô nói, Thiên Chúa thích người biết cho đi trong niềm vui (2C 9,7), và Ðức Maria đã nói tiếng "xin vâng" với Thiên Chúa trong vui tươi hớn hở. Từ ngữ diễn tả sự thuận tình của Ðức Maria, được dịch bằng tiếng Fiat (xin vâng) hoặc "xin hãy thành sự cho tôi" là một động từ ở lối ước mong (génoito, optatif) trong nguyên bản Hylạp. Nó không diễn tả sự chấp nhận với thái độ cam chịu, nhưng là một mong muốn mãnh liệt, như thể Maria muốn nói : "Tôi hết lòng uớc mong điều Thiên Chúa mong muốn". Thực vậy, như thánh Augustino đã nhận thấy, Ðức Maria đã cưu mang Ðức Kitô trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác.

 

Hẳn nhiên, Ðức Maria không nói "fiat" vốn là một từ Latinh, cũng không nói "génoito", một từ Hylạp. Vậy lúc ấy Người nói điều gì ? Từ ngữ nào, trong ngôn ngữ nói của Ðức Maria, phù hợp nhất để diễn tả ? Một người Dothái sẽ nói gì khi anh ta muốn diễn tả "ước gì là như thế". Hẳn người đó sẽ nói : "Amen !". nếu được phép thử tìm lại, theo lối suy tư đạo đức, "ipsissima vox", tìm lại chính lời miệng Ðức Maria thốt ra, hay ít là từ ngữ lúc bấy giờ nằm trong nguồn tiếng Sêmít mà thánh Luca đã sử dụng thì hẳn phải là từ "amen". "Amen" là một từ Dothái, gốc của từ đó có nghĩa là sự vững chắc, chắc chắn. Từ này được sử dụng trong phụng vụ như là lời đáp của lòng tin đối với Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta đọc thấy, ở cuối một số Thánh Vịnh, từ fiat, fiat trong bản Vulgata (trong bản Bảy Mươi là génoito, génoito) thì trong nguyên bản Dothái, bản mà Ðức Maria biết đến, là "amen, amen !".

 

Qua tiếng "Amen", người ta nhìn nhận rằng điều vừa được phán dạy là một lời chắc chắn, vững vàng, vững chắc, kiên quyết. Khi được dùng như lời đáp lại Lời Chúa thì Amen dịch cách chính xác là : "Thực là như thế và ước mong là như thế". Nó vừa biểu thị niềm tin vừa biểu thị lòng vâng phục, nhìn nhận điều Chúa phán là thật và vâng theo. Ðó là nói "vâng" với Chúa. Chúng ta thấy tiếng Amen mà chính Ðức Giêsu thốt ra cũng mang ý nghĩa này : "Vâng, amen, lạy Cha, vì đó là quyết ý của Cha ." (x. Mt 11, 26). Thậm chí Ngài là chính Amen hiện thân : "Này lời phán dạy của Amen" (Kh 3, 14) và chính nhờ Ngài mà mọi tiếng "Amen" khác thốt lên trên trần thế này, từ nay, sẽ vươn lên đến tận Thiên Chúa (x. 2C 1, 20), cũng như lời "fiat" của Ðức Maria đi trước lời Fiat của Ðức Giêsu trong Vườn Dầu, lời "amen" của Người đi tước lời "amen" của Con mình. Maria quả thực là một "amen" hiện thân, "amen" với Thiên Chúa.

 

Tiếng xin vâng của hôn lễ.

 

Hành vi tin của Ðức Maria thật đẹp, bởi đó là tiếng "vâng" của tân nương nói với tân lang trong hôn lễ, một tiếng vâng thốt lên trong tự do trọn vẹn. Maria là dấu chỉ và là sự thực hiện đầu tiên của hôn lễ giữa Thiên Chúa với Dân Người được các tiên tri loan báo : "Ngày ấy, sẽ xảy ra là ." Vì thế lời của tiên tri Hôsê thật phù hợp với Ðức Maria : "Ta sẽ đính hôn với ngươi mãi mãi . Ta sẽ đính hôn với ngươi bằng đức trung tín" (Hs 2, 21tt).

 

Lời "xin vâng" của Ðức Maria không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần. Nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên từ trong thẳm sâu tâm hồn Maria. Về Ðức Giêsu, Kinh Thánh viết rằng "nhờ Thần Khí hằng có mà Ngài hiến mình làm hy sinh vô tỳ tích dâng lên Thiên Chúa" (x. Hr 9, 14). Ðức Maria cũng thế, Người tự hiến mình cho Thiên Chúa trong Thánh Thần, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần. Thánh Thần được hứa ban, như lời thiên thần : "Thánh Thần sẽ đến trên người ." Không phải chỉ để Người thụ thai Ðức Kitô trong thân xác, mà còn để cưu mang Ngài trong tâm hồn, nhờ lòng tin. Nếu Maria đã được "đầy ân sủng" thì trước tiên là để Người có thể đón nhận sứ điệp dành cho mình trong lòng tin. Nếu không có Thánh Thần thì ngay cả nói : "Giêsu là Chúa !" cũng không thể được (x. 1C 12, 3). Vậy phải nghĩ thế nào về tiếng "fiat" của Ðức Maria mà, theo một nghĩa nào đó, việc Nhập Thể của Ngôi Lời cũng như cuộc sống làm người của Chúa tùy thuộc vào ? Mọi thái độ vâng phục lớn lao đều khởi đi từ sự vâng phục của Ðức Kitô : nhờ Thánh Thần, Thiên Chúa đổ tràn lòng mến trong tâm hồn thụ tạo để rồi lòng mến lôi kéo thụ tạo thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Lòng mến trở thành luật, luật của Thần Khí. Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của Người, Người ban lòng mến. Tình yêu không cho phép kẻ được yêu, đến lượt mình, lại không biết yêu. Chính như thế mà ta hiểu được sự dâng hiến của Ðức Maria ; Người cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và tình yêu đó đưa Người đến chỗ tự hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa.

 

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm tương tự. Ngài viết về ngày rước lễ lần đầu, lúc dâng mình cho Thiên Chúa mãi mãi : "Ðấy là một nụ hôn của tình yêu, tôi cảm thấy mình được yêu và tôi còn nói : con yêu Chúa, con trao hiến mình con cho Chúa mãi mãi 9".

 

Tuy nhiên, lời fiat của Ðức Maria đã là một hành vi tự do, thậm chí là hành vi tự do thật sự đầu tiên trong cả nhân loại, vì tự do thực sự không hệ tại ở chỗ làm hay không làm điều lành, nhưng là làm điều lành một cách tự do. "Trong Ðức Kitô lại không có một ý chí tự do, và ý chí đó vì có khả năng ít vâng phục sự tội hơn, nên càng tự do hơn sao ?" Sự tự do này phản ánh sự tự do của Thiên Chúa, vì tự do của Thiên Chúa không hệ tại ở việc có khả năng làm điều lành. Một cách nào đó, do chính bản thể của Người, Người buộc phải như vậy, thế những có ai tự do hơn Thiên Chúa ?"

 

Ðiều này tương tự như linh hứng Kinh Thánh : "Có những người do tự Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy đã tuyên ra" (2P, 21), đó là lời Kinh Thánh nói về những người biên soạn các sách trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, việc họ tuyên ra là một hành vi tự do, một hành vi vừa thần linh vừa nhân linh. Ðiều này càng đúng cho Ðức Maria hơn nữa. Ðược Thánh Thần thúc đẩy, Maria đã nói, đã thưa "xin vâng" với Thiên Chúa. Lời "xin vâng" của Người là một hành vi vừa là thần linh vừa nhân linh ; nhân linh bởi bản tính, thần linh bởi ân sủng.

 

Niềm tin của Ðức Maria quả thực là một hành vi của lòng mến, của sự ngoan hiền, một hành vi tự do dù nó được Thiên Chúa khơi dậy, một hành vi nhiệm mầu, như sự gặp gỡ giữa ân sủng và tự do vẫn luôn là mầu nhiệm. Ðây mới là sự cao cả, lớn lao thật sự của riêng Ðức Maria và là phúc thật của Người, như chính Ðức Kitô đã xác nhận. "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú" (Lc 11, 27), lời của một phụ nữ trong Tin Mừng. Người phụ nữ xưng tụng Ðức Maria là có phúc bởi Người đã mang (bastásasa) Ðức Giêsu. Elisabeth xưng tụng Maria diễm phúc, bởi Người đã tin (pisteusasa). Người phụ nữ cho việc cưu mang Ðức Giêsu trong lòng dạ là có phúc : "Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ". Ðức Giêsu giúp cho người đàn bà đó cũng như cho tất cả chúng ta hiểu được đâu là sự lớn lao đích thực của Mẹ Ngài. Quả vậy, có ai "giữ" các Lời của Thiên Chúa hơn Ðức Maria, chính Kinh Thánh hai lần khẳng định chắc chắn rằng : Người giữ kỹ mọi điều ấy trong lòng (Lc 2, 19 - 51).

 

Một nhà chú giải Tin Lành lỗi lạc viết : "Chắc chắn rằng, vấn đề đức tin là nền tảng của cuộc đời Abraham, mặc dù từ ngữ này chỉ được nói lên một lần duy nhất 11". Ðiều này cũng hết sức đúng với Ðức Maria. Ðối với Ðức Maria cũng thế, chắc chắn rằng đức tin là nền tảng của tất cả, mặc dù từ ngữ chỉ được nói lên trong một trường hợp duy nhất, bởi Elisabeth.

 

Tuy nhiên, chúng ta tránh kết thúc suy tư về lòng tin của Ðức Maria với cảm giác là Ðức Maria đã tin một lần thôi, và điều đó đủ cho cả cuộc đời còn lại của Người, như thể Ðức Maria chỉ phải bày tỏ một hành vi lớn lao duy nhất, trong một hoàn cảnh duy nhất. Nghĩ như thế là chúng ta đã để vuột mất điều chính yêu. Các công trình của Thiên Chúa đi theo một logic khác với một logic của trí tưởng tượng con người.

 

Nơi một chủ thể tự do, một chủ thể phải sống trong đức tin và chịu sự biến dịch, thì công trình Thiên Chúa được thực hiện không phải một cách máy móc, một lần là đủ, ban đầu đưa ra lời hứa rồi sau đó mọi sự trở nên đơn giản, rõ ràng. Vì, điều rõ ràng trong giây phút ban đầu, nhờ Thần Khí làm cho sáng tỏ, có thể sau đó không còn rõ như vậy nữa. Ðức tin có thể phải trải qua thử thách của hoài nghi về chính mình : "Tôi có hiểu đúng không ? Lại không phải là mình hiểu sai sao ? Và nếu thực sự mình đã lầm lẫn ? Nếu đó không phải là Thiên Chúa nói với tôi ?" Cách hành động của Thiên Chúa vẫn là nhiệm mầu, và trước khi chấp nhận sống trong mầu nhiệm, chúng ta phải trải qua biết bao lần hấp hối !

 

Sau biến cố Truyền Tin, chắc hẳn biết bao lần Ðức Maria phải chịu "Tử đạo" do sự đối nghịch rõ ràng giữa tình cảnh của mình với tất cả những gì đã được viết, được biết đến về Thánh Ý Thiên Chúa trong Cựu Ước, và tất cả những gì liên quan đến chính khuôn mặt của Ðấng Mêssia ! Biết bao lần Giuse - hẳn là Giuse - phải trấn an, làm cho Người yên lòng, bằng cách nói rằng Người đã không lỗi phạm, rằng Người không hề có lỗi, rằng Người vô tội, Người đã không lầm. Lặp lại cho Ðức Maria điều mà chính mình đã được biết nhờ thiên thần hiện ra trong giấc mộng : "Ðừng sợ . thai sinh nơi Người là do tự Thánh Thần" (Mt 1, 20).

 

Công Ðồng Vatican II đã có một cống hiến quý giá khi khẳng định rằng Ðức Maria cũng đã tiến bước trong đức tin và ngay cả nói rằng, Người đã "tiến triển" trong đức tin 12. Như chúng ta cũng thấy được, tuy ở mức độ thấp hơn, nơi một số tâm hồn được Thiên Chúa kêu gọi qua những con đường đặc biệt, đối với Ðức Maria, tiến bước trong đức tin hàm chứa việc tâm trí phải chết đi (martyre de la conscience), vì không có cách nào khác để chống cự lại với thực tế hiển nhiên ngoài Lời Chúa đã được nghe một lần trong tâm hồn và rồi lời đó được làm sống lại chỉ từ bên ngoài, nhờ những trung gian nhân loại. Có những lúc Giuse đóng vai trò tương tự như vai trò của một vị linh hướng hay như một người cha thiêng liêng đối với Ðức Maria : mỗi lúc khủng hoảng, giữ vững và lập lại niềm tin chắc chắn mà trước khi Thiên Chúa đã ban cho : tin và hy vọng bất chấp thực tế trước mắt.

 

Nếu như Ðức Giêsu đã chịu cám dỗ, còn Ðức Maria, một người rất gần với Ðức Giêsu trong mọi sự, lại không chịu cám dỗ thì quả là kỳ lạ. Ðức tin, như lời thánh Phêrô, thử luyện trong lò (x. 1P 1, 7). Sách Khải Huyền nói : "Con rồng đứng chực trước mặt Bà sắp sinh con" và "nó đuổi theo Bà đã sinh con trai" (x. Kh 12, 4 - 13). Ðã đành là ở đây, người phụ nữ trực tiếp tượng trưng cho Giáo Hội. Nhưng làm sao còn có thể gọi Ðức Maria là "hình bóng của Giáo Hội" nếu như Người đã không hề trải qua và không phải là người đầu tiên trải qua khía cạnh hết sức quan trọng này trong đời sống Giáo Hội : trận chiến và cám dỗ do ma quỷ ? Vì thế, cũng như Ðức Kitô, Ðức Maria đã phải "dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội" (Hr 4, 15). Chỉ trừ tội mà thôi !

 

 

Theo bước đường của Ðức Maria.

 

Chúng ta thử nghĩ tới đường rẽ sóng của một con tàu ; càng đi xa nó càng tỏa rộng đến mất hút ở chân trời, nhưng khởi đầu của đường rẽ sóng đó là một điểm nhọn, và điểm nhọn này chính là mũi nhọn con tàu. Hình ảnh đó giúp chúng ta có thể thấy được bước đường rộng lớn mênh mông của các tín hữu, thành phần cấu thành Giáo Hội ; Bước đường đó khởi sự từ một điểm nhọn, đó là lòng tin của Ðức Maria, lời "fiat" của Người. Về tất cả các điều khác như : cầu nguyện, đau khổ, khiêm hạ và chính lòng mến, thì điểm nhọn, hay điểm khởi đầu chỉ có thể là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng là tiên thường và Ðầu mà từ đó toàn thân mình được phát triển. Nếu ngược lên dòng sông cầu nguyện vĩ đại, dòng sông đã tưới thấm Giáo Hội, chúng ta sẽ gặp thấy ai nơi cội nguồn ? Giêsu, Ðấng cầu nguyện ; Giêsu, Ðấng giao phó kinh nguyện của Ngài cho các môn đệ với Kinh "Lạy Cha". Nhưng nếu ngược lên dòng sông Ðức Tin thì không như thế ! Trước khi có đức tin của các tông đồ thì đã có đức tin của Ðức Maria.

 

Ðức Tin, cùng với em là Ðức Cậy, là điều duy nhất không khởi đầu với Ðức Kitô, mà là với Giáo Hội, và vì thế, khởi đầu với Ðức Maria, chi thể đầu tiên của Giáo Hội, xét về thời gian cũng như về tầm quan trọng. Tân Ước không bao giờ qui đức tin hay đức cậy cho Ðức Giêsu. Thư Dothái đưa ra một danh sách những người đã có đức tin : "Bởi tin, Abel . Bởi tin, Abraham. Bởi tin, Môsê."       (Hr 11, 4tt). Ðức Giêsu không có trong danh sách này, Ngài được gọi là "Ðấng khơi nguồn và cũng viên thành Ðức Tin" (Hr 12, 2). Ngài không thể là chủ thể của Ðức Tin Kitô giáo bởi lẽ Ngài là đối tượng của đức tin đó.

 

Chúng ta hiểu được lý do tại sao : đức tin là một quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, một liên hệ giữa một chủ vị và một chủ vị, giữa tôi và anh. Thế mà, Ðức Giêsu là Thiên Chúa và là con người trong cùng một ngôi vị, thì làm sao đức tin có thể có nơi Ngài được ? Ngài chính là Ngôi Lời, mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha không thể là mối quan hệ bởi tin, nhưng là bởi bản tính vì là "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng". Về Ðức Giêsu không thể nói đến đức tin cũng như đức cậy. Nếu ngày nay có một số người nói đến điều đó thì chúng ta chỉ có thể hiểu theo nghĩa loại suy, nghĩa rộng hoặc chỉ tin theo nghĩa là tín thác (foi-confiance). Nếu không thì hẳn sẽ phải nói rằng, nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa và con người làm thành hai ngôi vị riêng biệt hoặc làm thành một ngôi vị "nhân loại" chứ không phải là một ngôi Thiên Chúa.

 

Chỉ nguyên với việc tin mà thôi thì chúng ta đã là những người đang ở trên bước đường của Ðức Maria. Chúng ta thử đào sâu thêm việc thực sự đi theo bước đường đó có ý nghĩa như thế nào. Ðể đọc những điều liên quan đến Ðức Trinh Nữ Maria trong Kinh Thánh, từ thời các Giáo Phụ, Giáo Hội đã theo một tiêu chuẩn, có thể diễn tả như sau : "Maria, vel Ecclesia, vel amina", Maria, hoặc là Giáo Hội, hoặc là linh hồn. Ðiều này có nghĩa là, trong Kinh Thánh, tất cả những gì nói một cách đặc biệt về Ðức Maria thì hiểu một cách phổ quát về Giáo Hội và tất cả những gì nói một cách phổ quát về Giáo Hội thì hiểu cách đặc thù về mỗi linh hồn tín hữu. Chúng ta hãy theo nguyên tắc đó để xem đức tin của Ðức Maria trước tiên nói gì nơi Giáo Hội, xét là một toàn thể và sau đó nói gì với mỗi chúng ta, với riêng mỗi tâm hồn. Như đã làm trong phần về ân sủng, trước tiên chúng ta cũng sẽ làm sáng tỏ những hàm nghĩa về Giáo Hội hoặc về thần học trong đức tin của Maria, và sau đó là những hàm nghĩa liên quan đến tu đức, đến tâm hồn mỗi người. Như thế, cuộc đời Ðức Trinh Nữ Maria không phải chỉ giúp làm tăng triển lòng sùng kính riêng tư của chúng ta đối với Người, mà còn giúp chúng ta hiểu cách sâu xa về Lời Chúa và các vấn đề về Giáo Hội. Viễn tượng này sẽ giúp chúng ta vui vẻ đón nhận khó khăn có thể vấp phải trong áp dụng đầu tiên này.

 

Trước hết Ðức Maria nói cho chúng ta về tầm quan trọng của đức tin. Không có âm thanh cũng như âm nhạc, dù là những hợp âm, những giai điệu tuyệt vời nhất, nếu không có một lỗ tai có khả năng lắng nghe. Không có ân sủng, hay ít ra là ân sủng không thể tác động, nếu nó không tìm được đức tin đón nhận nó.

 

Như cơn mưa không thể làm nẩy mầm điều gì cả bao lâu chưa tìm được một mảnh đất tiếp nhận nó, ân sủng cũng thế, nếu không tìm thấy đức tin. Chính bởi tin mà chúng ta "nhạy cảm" với ân sủng. Ðức tin là nền tảng của tất cả. Nó là công việc đầu tiên và công việc tốt đẹp nhất phải thực hiện. Như lời Ðức Giêsu nói, việc của Thiên Chúa, đó là các ngươi (x. yn 6, 29). Ðức tin mang một tầm quan trọng như thế là vì chỉ có đức tin mới giữ lại cho ân sủng tính nhưng không của nó. Ðức tin không làm đão lộn các vai trò bằng cách biến Thiên Chúa thành con nợ, còn con người thành chủ nợ.

 

Chính vì thế mà đức tin là điều hết sức quí giá trước mắt Thiên Chúa và trên thực tế, trong các mối liên hệ với con người, Thiên Chúa xem mọi sự đều tùy thuộc về đức tin.

 

Ân sủng và đức tin : đó như là hai trụ cột của ơn cứu độ. Ân sủng và đức tin được ban cho con người như đôi chân để bước tới, đôi cánh để bay đi. Tuy nhiên, chúng ta đừng coi đó như hai thực tại song song, như thế ân sủng do tự Thiên Chúa còn đức tin là do chúng ta, và như thế ơn cứu độ như thể tùy thuộc ân sủng và tùy thuộc tự do, hai phần đều nhau. Khốn cho ai nghĩ như thế này : ân sủng tùy thuộc Thiên Chúa còn đức tin tùy thuộc tôi, Thiên Chúa và tôi cùng nhau thực hiện ơn cứu độ ! Nghĩ như thế là chúng ta biến Thiên Chúa thành con nợ, một kẻ tùy thuộc chúng ta và phải chia sẻ công phúc và vinh quang với chúng ta. Về điểm này,Thánh Phaolô loại bỏ mọi hoài nghi khi ngài viết : "Chính bởi ân huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, và điều này (nghĩa là việc tin, hay nói một cách trọn vẹn hơn, việc được cứu độ bởi ân sủng, nhờ lòng tin, thì cũng là một) không phải do tự anh em, đó là ơn Thiên Chúa ban .  để đừng có ai vinh vang tự đắc" (Ep 2, 8tt). Nơi Ðức Maria cũng vậy, chúng ta đã thấy hành vi tin được khơi lên bởi ơn Thánh Thần.

 

Tới đây, chúng ta sẽ chú tâm đến việc làm sáng tỏ những khía cạnh hàm chứa trong đức tin của Ðức Maria có thể giúp cho Giáo Hội hôm nay tin một cách trọn vẹn hơn. Hành vi tin của Ðức Maria là một hành vi hoàn toàn mang tính chủ vị và độc nhất. Ðó là hành vi tín thác vào Thiên Chúa và là hành vi tín thác trọn vẹn cho Ngài. Ðó là tương quan giữa một chủ vị, và chúng ta gọi đó là một đức tin mang tính chủ thể (foi subjective). Ở đây, dấu nhấn đặt ở sự kiện tin hơn là nội dung tin.

 

Nhưng, đức tin của Maria còn mang tính khách thể (objective), mang tính cộng đoàn rất rõ nét. Maria không tin vào một vị Thiên Chúa chỉ liên hệ đến mình riêng tư, tách rời khỏi tất cả, tự mạc khải chỉ cho riêng mình trong âm thầm sâu kín. Ngược lại, Người tin vào Thiên Chúa của cha ông, tin vào Thiên Chúa của dân mình. Maria nhận ra vị Thiên Chúa tỏ mình cho Người chính là Thiên Chúa của các lời hứa, Thiên Chúa của Abraham và của miêu duệ ông. Người khiêm hạ đặt mình vào hàng ngũ của mọi kẻ tin và trở nên người tín hữu đầu tiên của Giao Ước Mới. Lời kinh Magnificat thấm nhuần niềm tin đặt trên nền Kinh Thánh và chứa đầy những quy chiếu về lịch sử dân tộc của Người. Thiên Chúa của Ðức Maria là một Thiên Chúa mang những nét đặc trưng của Kinh Thánh : Ðức Chúa, Ðấng Toàn Năng, Ðấng Thánh, Ðấng Cứu Ðộ.

 

Maria hẳn sẽ không tin lời thiên thần nếu thiên thần trình bày cho Người một Thiên Chúa khác, khiến Người không thể nhận ra đó là Thiên Chúa của Israel, dân tộc Người : Ðức Maria sống đúng theo niềm tin đó ngay cả trong đời sống bên ngoài : Người tuân thủ mọi điều luật dạy, cho phép hài nhi chịu phép cắt bì, dâng con vào đền thờ, bản thân Người cũng tuân giữ lễ tẩy uế, lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua.

 

Ðây là một bài học thật lớn lao cho chúng ta. Cũng như ân sủng, đức tin phải chịu một tiến trình phân tích, phân chia thành từng mảnh dọc theo các thời đại, dẫn tới sự phân biệt vô số những loại và phân loại của đức tin. Chẳng hạn, anh em Tin Lành nhấn mạnh hơn đến khía cạnh đầu tiên, khía cạnh chủ thể và cá nhân (personnel) của đức tin. Luther viết "Ðức tin là niềm tín thác mạnh mẽ, bạo dạn vào ân sủng của Thiên Chúa" ; là "niềm tín thác vững vàng 13".

 

Ðối với một số trào lưu Tin Lành, chẳng hạn phái mộ đạo (piétisme) là phái đẩy khuynh hướng này tới chỗ cực đoan, thì tín điều và những gì được gọi là các chân lý đức tin hầu như không có tầm quan trọng nào cả. Thái độ nội tâm, riêng tư của mỗi người với Thiên Chúa mới là yếu tố quan trọng nhất, và hầu như là yếu tố độc nhất, loại bỏ các yếu tố khác.

 

Ngược lại, trong truyền thống Công Giáo và Chính Thống thì ngay từ đầu, vấn đề tính đồng nhất hay tính chính thống của đức tin luôn luôn mang tầm quan trọng hàng đầu. Vấn đề các chân lý phải tin đã nhanh chóng vượt lên trên khía cạnh chủ thể, cá nhân của đức tin, nghĩa là được nhấn mạnh hơn hành vi tin. Các khảo luận của các Giáo Phụ "về đức tin" (De fide) không hề có ám chỉ nào đến đức tin xét là hành vi của chủ thể, xét là thái độ tin tưởng, phó thác. Các ngài bận tâm đến việc xác lập các chân lý phải tin trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, và điều này xảy ra trong bối cảnh tranh luận chống lạc giáo.

 

Về sau, vào thời Cải Cách, cũng do phản ứng chống lại sự nhấn mạnh quá đáng, một chiều, đến đức tin theo nghĩa tín thác (foi-confiance), khuynh hướng này lại càng trầm trọng thêm trong Giáo Hội Công Giáo. Tin chủ yếu có nghĩa là thuận theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội. Thánh Phaolô từng nói : "Người ta tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng" (x. Rm 10, 10) : việc "tuyên xưng" một đức tin đúng đắn, chính xác, thường được chú trọng hơn là "tin trong lòng".

 

Trong lãnh vực này, Ðức Maria dẫn đưa chúng ta tìm lại sự tràn đầy đẹp đẽ và phong phú hơn gấp bội so với mỗi khía cạnh riêng biệt. Ðức tin nếu chỉ nằm trong bình diện chủ thể thôi, dù đó là một sự phó thác thẳm sâu nhất đi nữa, vẫn không đủ. Vì như thế sẽ rất dễ hạ thấp, thu hẹp Thiên Chúa trong kích thước của mình. Ðiều này xảy ra khi người ta xây dựng ý tưởng riêng của mình về Thiên Chúa khởi từ một lối giải thích riêng của  mình về Kinh Thánh hay dựa vào lối giải thích của một nhóm nhỏ nào đó : và rồi người ta gắn bó hết mình với những ý tưởng như thế, gắn bó đến mức cuồng tín, không ý thức được rằng giờ đây họ tin vào chính mình hơn là tin vào Thiên Chúa, và niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa của họ không khác gì hơn là niềm tin không lay chuyển vào chính mình.

 

Tuy nhiên, đức tin nếu chỉ nằm trên bình diện khách thể (khách quan), tín lý thì cũng không đủ gì hơn, nếu nó không đưa tới đời sống mật thiết, tiếp xúc riêng tư, tâm tình với Thiên Chúa.

 

Ðức tin đó dễ dàng trở thành một đức tin chết, một đức tin qua người trung gian hoặc qua cơ chế trung gian, nó sẽ sụp đổ ngay khi mối tương quan của chúng ta với Giáo Hội - cơ chế gặp khủng hoảng, dù là vì bất cứ lý do gì. Từ đó, rất dễ xảy ra chuyện một Kitô hữu cho đến cuối đời vẫn chưa hề thực hiện một hành vi tin nào cả, một hành vi tự do, của cá nhân mình là hành vi duy nhất chứng thực cho danh xưng "tín hữu" (croyant).

 

Như thế phải tin theo cách cá nhân nhưng là trong Giáo Hội. Tin trong Giáo Hội nhưng theo cách cá nhân. Ðức tin tín lý (foi dogmatique) của Giáo Hội không ngăn cản hành vi mang tính cá nhân hay sự bộc phát tự nhiên của lòng tin, trái lại, nó gìn giữ và giúp cho lòng tin nhận ra và ôm lấy một Thiên Chúa nghìn trùng lớn lao hơn kinh nghiệm nghèo nàn của con người chúng ta. Quả vậy, không một thụ tạo nào, bằng hành vi tin của mình, có thể bao quát hết tất cả những gì người ta có thể biết được về Thiên Chúa. Ðức tin của Giáo Hội như một góc độ rộng lớn cho phép chúng ta thu lấy và chụp được một phần lớn của toàn cảnh, lớn hơn nhiều so với phần mà một vật kính thông thường có thể chụp được. Khi hiệp nhất với đức tin của Giáo Hội, tôi biết đức tin của tất cả những người đi trước trở thành đức tin của mình :Ðức tin của các tông đồ, các vị tử đạo, các tiến sĩ. Vì không thể mang theo đức tin lên trời, là nơi đức tin không còn cần thiết nữa, các thánh đã để lại cho Giáo Hội làm di sản.

 

"Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng ." những lời đó tích tụ một sức mạnh không thể tưởng. Cái "tôi" nhỏ bé, được kết hiệp và hòa nhập vào cái tôi của toàn nhiệm thể Ðức Kitô, quá khứ và hiện tại, thét lên tiếng kêu mạnh hơn cả tiếng đại dương ầm sóng và làm cho vương quốc của tối tăm phải chuyển rung đến tận nền móng.

 

Chúng ta cũng hãy tin.

 

Giờ đây, chúng ta xét xem đức tin của Ðức Maria có những hệ quả nào đối với tu đức cũng như với đời sống nội tâm của mỗi người. Trong bản văn đã trích dẫn ở trên, thánh Augustino sau khi khẳng định Ðức Maria "đầy lòng tin sinh hạ trong lòng tin" đã rút ra một áp dụng thực tiễn : "Ðức Maria đã tin vào điều Người tin đã xảy ra nơi Người. Chúng ta cũng hãy tin, ngõ hầu điều xảy ra nơi Người cũng ích lợi cho chúng ta 14".

 

Chúng ta cũng hãy tin ! Chiêm ngắm đức tin của Ðức Maria trước tiên sẽ khiến chúng ta canh tân chính lòng tin cũng như sự phó thác của chúng ta cho Thiên Chúa. Ðây là "thực hành" thiêng liêng phải làm ở cuối "bước" thứ hai theo chân Ðức Trinh Nữ Maria. Chúng ta là công trình xây dựng của Thiên Chúa, là đền thờ Thiên Chúa. Công trình thánh hóa chúng ta tựa như việc "xây cất một tòa nhà thiêng liêng" (1P 2, 5). Chúng ta được "cùng xây dựng để trở nên ngôi nhà của Thiên Chúa nhờ Thần Khí" (Ep 2, 22).

Nhưng trước tiên, nếu một mảnh đất chưa được người ta tự ý nhượng lại và nếu chưa phải là sở hữu của mình thì có ai lại đi dựng nhà trên mảnh đất đó ? Chúng ta biết rằng, một ngôi nhà xây dựng trong những điều kiện như thế thì tự động sẽ thuộc về người chủ đất chứ không thuộc về người xây dựng. Thiên Chúa không thể xây đền thờ của Ngài nơi chúng ta, không thể xây chúng ta nên nơi thành Ngài ngự nếu trước tiên chúng ta không tự ý nhường lại quyền sở hữu "mảnh đất" cho Ngài. Chúng ta nhường lại mảnh đất cho Thiên Chúa khi chúng ta, bằng một hành vi của lòng tin, của sự đón nhận, bằng tiếng "xin vâng" trọn vẹn và toàn diện, giao phó cho Ngài tự do của chúng ta : bởi chưng, mảnh đất chính là tự do của chúng ta. Mảnh đất đó trước hết cần phải được khai vỡ, đảo lên và đào sâu . Vì thế, việc thưa lên với Thiên Chúa, một lần trong cuộc đời, lời "xin cho điều ấy thành sự" : một tiếng "fiat" như tiếng Fiat của Ðức Maria, mang một tầm quan trọng quyết định. Khi một hành vi như thế được thực hiện thì nó được bao trùm trong huyền nhiệm, bởi lẽ nó vừa là của ân sủng vừa là của tự do. Một thứ thụ thai. Tạo vật không thể thực hiện được nếu chỉ sức mình : Thiên Chúa trợ giúp nhưng không làm mất đi tự do của con người.

 

Người ta viết rằng : "Thiên Chúa phải để linh hồn trở về trong đời sống tự nhiên ; nhưng trước đó Ngài lén cho linh hồn ăn một hạt lựu. Nếu ăn vào, linh hồn sẽ mãi mãi bị chiếm hữu. Hạt lựu đó là sự thuận tình của con người với Thiên Chúa mà chính con người hầu như không hay biết và cũng không tự nhận sự thuận tình đó, vì nó quá nhỏ bé so với tất cả các khuynh hướng khác của linh hồn, thế những nó lại là điều quyết định số phận con người mãi mãi 15".

 

Nếu chúng ta đào sâu cuộc sống của tất cả những người đạt tới đỉnh cao thánh thiện hay người quả quyết tiến bước trên con đường đó thì hầu như chúng ta luôn luôn tìm thấy hạt lựu đó vùi sâu bên dưới.

 

Vậy chúng ta phải làm gì ? Rất đơn giản : sau khi cầu nguyện, để cho điều đó không là hành vi hời hợt bên ngoài, hãy dùng chính lời của Ðức Maria mà thưa lên với Chúa : "Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài !" Vâng lạy Chúa, con xin thưa tiếng Amen đối với tất cả dự định của Chúa, con xin nhường cho Chúa tất cả con người của con.

 

Trong phần đầu, tôi có nhắc đến ba tiếng fiat vĩ đại của lịch sử cứu độ : tiếng fiat của Thiên Chúa với công trình tạo dựng, tiếng fiat của Ðức Maria với nhập thể, và lời fiat của Ðức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua. Một tiếng fiat thứ tư trong lịch sử cứu độ, sẽ được thốt lên mỗi ngày cho đến tận  thế : lời fiat của Giáo Hội và của các tín hữu, thưa lên với Thiên Chúa trong kinh "Lạy Cha" : "Fiat voluntas tua, nguyện ý Cha được thành sự !" Khi nói lên lời fiat đó, chúng ta, cùng với Ðức Maria, kết hợp với lời fiat vĩ đại của Ðức Kitô mà trong Vườn Dầu, Người đã dùng cũng chính lời đó thưa lên với Cha : "Nguyện ý Cha được thành sự" (x. Lc 22, 42).

 

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Ðức Maria nói lên lời fiat của mình theo lối ước mong (optatif), với giọng vui mừng và khao khát. Biết bao lần chúng ta nói lại lời "fiat" của mình với thái độ đành chịu, miễn cưỡng như kẻ cúi đầu, cắn răng nói : "Nếu quả là chẳng thể làm khác được thì thôi, xin cho ý Ngài thành sự vậy"? Ðức Maria dạy chúng ta nói lên lời đó một cách khác. Chúng ta tin chắc rằng ý định của Thiên Chúa về chúng ta muôn phần đẹp đẽ và đầy hứa hẹn hơn mọi dự định của chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu vô hạn, và Người đã quyết về chúng ta "những mưu định phúc thái chứ không phải họa tai" (Yr 29, 11). Vậy hãy thưa lên với Người tất cả niềm khát mong, như thể không kìm lòng được, như Ðức Maria : "Ôi lạy Chúa, ý định tình yêu và bình an của Người xin mau thực hiện trên con, đừng chậm trễ !".

 

Chính qua điều này mà ý nghĩa của kiếp nhân sinh cũng như phẩm giá cao quý nhất của con người được thể hiện. Nói tiếng "xin vâng", "amen’ với Thiên Chúa là tôn phẩm giá con người lên chứ không phải là hạ thấp như ngày nay chúng ta thỉnh thoảng nghe nói.  Vả lại, liệu có lựa chọn nào khác có thể thay lời "amen" nói với Thiên Chúa. Suy tư hiện đại, mà mục tiêu hàng đầu là phân tích hiện hữu con người, đã cho thấy rõ rằng, nói lời "amen" là điều tất yếu. Nếu không nói lời đó với Thiên Chúa là tình yêu thì người ta sẽ nói với một điều gì khác, mà điều đó lại là thứ tất yếu lạnh lùng, làm tê  liệt ; nói "amen" với định mệnh, với các biến cố. Ðối với triết học, thuyết định mệnh là lựa chọn duy nhất thay vì đức tin. Triết gia lừng danh nhất trong thế kỷ này, trong một giai đoạn tư tưởng của ông, đã vạch cho thấy, khả năng duy nhất hoàn toàn riêng biệt, vô điều kiện, không thể vượt qua, còn lại cho con người, đó là cái chết. Hiện hữu của con người không gì khác hơn là một "hiện hữu để chết". Vì thế, theo ông, phương cách duy nhất để làm cho hiện hữu của mình thành một hiện hữu chính thực, là chấp nhận một định mệnh như thế. Ở đây, tự do con người nằm ở chỗ tự ý đảm nhận chính điều tất yếu đó : chọn và nhận lấy hoàn cảnh thực tế mà mình bị đưa vào như là hoàn cảnh thuộc về mình và sống trung thành với hoàn cảnh đó. Số phận con người bị xác định bởi lịch sử và bởi cộng đồng mà mình thuộc về : số phận đó không thể là gì khác hơn là lập lại những gì đã xảy ra. Con người đạt tới sự hoàn thành chính mình trong tình yêu định mệnh (amor fati), chấp nhận và ngay cả yêu lấy điều đã xảy ra và tất yếu sẽ xảy ra 16.

 

Ðây là sự trở về với thứ "thần bí thuận mệnh" (mystique de consentement) mà với Cléanthe, tâm thức tôn giáo dân ngoại trước Ðức Kitô đã đạt tới : với tâm thức này, người ta phó mặc hoàn toàn cho định mệnh và cho sự tất yếu. Ðây không phải là tiếng nói của một triết gia đơn độc : tất cả tư tưởng hiện sinh vô thần, là tư tưởng mà một cách nào đó đặt mình bên ngoài quan điểm Kitô giáo, chẳng hạn như tư tưởng của Jaspers và của Sartre đã dẫn đến cái lý tưởng khủng khiếp ấy : yêu lấy định mệnh. Tự do mà người ta muốn bảo vệ đã trở thành thuần túy là sự chấp nhận điều tất yếu. Lời Ðức Giêsu hoàn toàn được ứng nghiệm : "Ai muốn cứu lấy sự sống mình thì sẽ mất" (x. Mc 8, 35). Ai muốn cứu lấy tự do thì sẽ mất nó.

 

Con người không thể sống và thể hiện mình mà lại không nói lời "xin vâng" với ai đó, với điều gì đó. Lời "amen" của dân ngoại khác xa biết bao, nghiệt ngã biết bao sánh với lời "amen" của Kitô hữu nói lên với ai đó tạo dựng nên bạn, và Ðấng đó không phải là một tất yếu lạnh lùng mù quáng, nhưng là tình yêu. Sự phó thác con người mình cho Chúa Cha, diễn tả trong lời kinh của Charles Foucauld thật khác xa với việc phó thác cho định mệnh : "Lạy Cha, con phó thác mình con cho Cha. Xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha. Cha làm chi mặc lòng con cũng cám ơn Cha. Con sẵn sàng luôn luôn. Con nhận lãnh cả. Miễn ý Cha thành sự nơi con, trong tất cả mọi loài Cha tạo dựng, con chẳng muốn chi khác nữa, Lạy Cha là Chúa Trời con, con phó thác linh hồn con trong tay Cha. Con dâng linh hồn con cho Cha, với tất cả tình yêu của lòng con, vì con mến Cha, và vì mến Cha con thấy cần phải hiến thân con, phó thác mình con trong tay Cha vô giới hạn với niềm tin tưởng khôn cùng, vì Cha là Cha của con".

 

"Người công chính sẽ sống bởi đức tin".

 

Mọi người cần phải và có thể noi theo Ðức Maria về lòng tin, nhưng một cách đặc biệt hơn, Linh Mục và những ai được gọi, dưới bất cứ hình thức nào, thông truyền đức tin và Lời Chúa cho người khác, Chúa phán : "Người công chính sẽ sống bởi tin" (x. Ha 2, 4 ; Rm 1, 17). Lời này có giá trị đặc biệt cho Linh Mục ; Linh Mục của Ta sẽ sống bởi tin, lời Thiên Chúa phán. Linh Mục là con người của đức tin. Sức mạnh đặc trưng của một Linh Mục là do đức tin của người đó mang lại. Linh Mục sẽ có một ảnh hưởng trên các linh hồn theo mức độ đức tin của mình. Bổn phận của Linh Mục hay Mục Tử giữa đoàn dân của mình không giới hạn trong việc phân phát Bí Tích hay bảo đảm các dịch vụ. Họ còn phải khơi dậy và minh chứng đức tin. Họ sẽ thực sự là người dẫn đạo lôi cuốn trong mức độ Linh Mục đó tin và dâng hiến tự do của mình cho Thiên Chúa như Ðức Maria.

 

Dấu hiệu chính yếu mà người tín hữu nhận ra ngay nơi một Linh Mục, một Mục Tử là : Linh Mục đó có "tin như thế" không ? Linh Mục đó có tin vào điều mình nói, tin vào điều mình cử hành không ? Một người trước hết muốn tìm Thiên Chúa nơi vị Linh Mục sẽ nhận ra điều đó lập tức. Còn người không tìm Thiên Chúa nơi Linh Mục có thể sẽ dễ dàng bị lầm và đưa chính linh Mục vào sai lầm, làm cho Linh Mục ngỡ mình là quan trọng, nổi nang, hợp thời, trong khi Linh Mục đó, như đã nói trong chương trước, thực tế chỉ là một con người "trống rỗng".

 

Ngay cả một người vô tín khi tiếp cận với Linh Mục với mục đích tìm hiểu, thì cũng thấy ngay được sự khác biệt. Ðiều kích thích anh ta và khiến anh ta có thể cảm thấy bị đảo lộn và biết suy nghĩ lại, thường không phải là những tranh luận thông thái về đức tin ; nhưng là lòng tin, thật đơn thành. Lòng tin mang tính lây lan, truyền nhiễm. Người ta không mắc một chứng bịnh truyền nhiễm khi chỉ nghe nói về một con virut hay nghiên cứu về nó, nhưng là khi người ta tiếp xúc với nó. Ðức tin cũng như thế.

 

Sức mạnh của người tôi tá Chúa là tùy ở mức độ mạnh mẽ của lòng tin nơi người đó. Chúng ta đau khổ, thở than trong lời cầu nguyện : Lạy Chúa, người ta rời bỏ Giáo Hội, người ta ở lỳ trong tội ! Tại sao như thế ? Chúng con nói và nói, mà chẳng thay đổi được gì. Ngày kia, các tông đồ thử trừ quỷ cho một đứa bé nhưng vô hiệu, và Ðức Giêsu đã ra tay trừ, các tông đồ đến hỏi Ngài : "Tại sao chúng tôi không thể trừ quỷ ấy được ?" Ngài nói với họ : "Vì lòng yếu tin của các ngươi" (Mt 17, 19 - 20). Mỗi lần đứng trước một thất bại về mục vụ hay trước một tâm hồn ra đi mà mình không giúp được gì, tôi cảm thấy câu hỏi của các tông đồ lại vang lên nơi mình : "Tại sao chúng tôi không thể trừ quỷ ấy được ? Và tôi cũng nghe thấy câu trả lời đó vang trong tâm hồn : "Vì lòng yếu tin của ngươi !" Và tôi lặng câm.

 

Như chúng ta đã nói, thế giới như đại dương được đường rẽ sóng của một con tàu đi qua : con đường đức tin do Ðức Maria khai lối : chúng ta hãy đi vào lối đường đó. Cả chúng ta nữa, hãy tin để những gì thành sự nơi Ðức Maria cũng thành sự nơi chúng ta. Hãy kêu cầu Ðức Trinh Nữ Maria bằng tước hiệu thật dịu êm này : Virgo fidelis, Trinh Nữ thành tín, cầu cho chúng con.

 

 

 

CHÚ THÍCH

 

 

1. Tertullien, Sur le baptême, 2, 1s. (CC 1, p. 277).

2. II. Schurmann, Das Lukasevangelium, Fribourg-en-Br, 1982, ad Ioc.

3. Origène, Commentaire sur l’E1vanggile de Luc, Frag. 18 (GCS 49, p. 227).

4. St. Justin, Dialogue avec Tryphon 100 (PG 6, 709 s).

5. St. Irénée, Contre les hérésies III, 22, 4 (SCh 211, p. 442).

6. St. Augustinô, Sermons 215, 4 (PL 38, 1074).

7. C. Carretto, Beata te che hai creduto, Ed. Paoline, 1986, p. 9ss.

8. S. Kierkegaard, L’école du Christianisme I.

9. Sainte Thérèse de l’ Enfant-Jésus, Manuscrits autobiographipues, f. 35 (éd. Carmel de Lisieux, 1957, p. 83).

10. St Augustino, La prédestination des saints 15, 30 (PL 44, 981).

11. G. von Rad, Theologie des Alten Testaments I, Munich, 1962.

12. Vatican II, Lumen gentium 58.

13. Luther, Préface à l’Épitre aux Romains (éd. Weimar, Deutsche Bibel 7, p. 11) ; Des bonnes oeuvres (éd. Weimar 6, p. 206).

14. St Augustino, Sermon 215, 4 (PL 38, 1074).

15. S. Weil, Intuitions préchrétiennes, Paris, La Colombe, 1951, p. 11s.

16. M. Heidegger, Sein und Zeit, Tubingen, 1927.


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà