9. "VÀ GỤC ÐẦU XUỐNG, NGÀI PHÓ THÁC THẦN KHÍ"

 

ÐỨC MARIA TRONG LỄ HIỆN XUỐNG THEO TIN MỪNG GIOAN.

 

Tân ước trình bày không phải một mà là hai lễ Hiện Xuống : lễ Hiện Xuống theo Luca trong sách công Vụ và lễ Hiện Xuống theo Gioan trong Yn 20, 22 ; trong đó tác giả thuật lại cử chỉ của Ðức Giêsu thổi hơi trên các tông đồ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Lễ Hiện Xuống theo Gioan cũng diễn ra tại nhà Tiệc Ly như lễ Hiện Xuống theo Luca, nhưng không cùng một thời điểm, vì nó xảy đến vào ngay chiều ngày Phục Sinh chứ không phải năm mươi ngày sau đó. Trên con đường theo dấu chân của Ðức Maria, ở chặng thứ chín này, chúng ta sẽ cố tìm ra chỗ đứng của Ðức Maria trong lễ Hiện Xuống theo thánh Gioan cũng như giáo huấn mà ngài dành cho Giáo Hội trong dịp này.

 

Lễ Hiện Xuống của  Tin Mừng Gioan.

 

Thực tế về một lễ Hiện Xuống thứ hai trong Tân Ước đã được các Giáo Phụ nhìn nhận. Thánh Augustinô nói : "Thưa anh em, hãy cẩn thận. Một ai đó có thể hỏi tôi : "Tại sao Ðức Kitô lại ban Thánh Thần đến hai lần ? Chúa đã ban cho các tông đồ Hồng Ân Thánh Thần không phải một lần nhưng là hai lần, và ban cách rõ ràng. Vừa mới Phục Sinh từ trong kẻ chết Ngài đã thổi hơi trên họ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Bởi Ngài đã ban Thánh Thần cho họ lúc bấy giờ rồi nên có thể sau đó Ngài đã không gửi Thánh Thần được hứa ban chăng ? Hay phải chăng Thánh Thần mà Ðức Kitô thổi trên họ và Thánh Thần mà Ngài gửi đến từ trời lại không phải là cùng một Thánh Thần 1 !"

 

Chính thánh Augustinô cũng đã giải thích sự kiện này theo nghĩa biểu trưng, ngài nói : "Thánh Thần được ban hai lần có lẽ là để nhắc chúng ta nhớ rằng, có hai giới luật về đức ái : yêu mến Chúa và yêu thương anh em. Một số Giáo Phụ đưa ra những cách giải thích khác chẳng hạn, việc ban Thánh Thần mà Gioan nói đến chỉ mới là ban một phần, ít mạnh mẽ và giới hạn hơn xét về nội dung cũng như về số người lãnh nhận so với việc ban Thánh Thần cách đầy đủ hơn, phổ quát hơn, năm mươi ngày sau  đó 2.

 

Một lối giải thích khác nữa nói đến hoa quả đầu mùa của Thánh Thần : Ðấng Cứu Thế, bằng hành vi thổi hơi rõ rệt, đã ban Thánh Thần cho các thánh tông đồ như là hoa quả đầu mùa của một bản tính đã được đổi mới ... bởi cần phải làm cho mọi người biết rõ rằng Ngài là Ðấng ban Thánh Thần ... vì thế, các ngài đã được tham dự vào ơn Thánh Thần ngay sau khi Ngài thổi hơi trên họ và nói : "Hãy chịu lấy Thánh Thần". Ðức Kitô không thể nói "Hãy chịu lấy" mà lại không ban gì cả. Mặt khác vào ngày lễ Hiện Xuống, Thiên Chúa đã diễn tả hồng ân của Người cách rõ ràng hơn, tỏ lộ Thánh Thần, Ðấng đang ngự trong lòng họ cách hiển nhiên rõ rệt hơn 3".

 

Khó khăn chính mà các Giáo Phụ trên vấp phải là do câu Yn 7, 39. Làm sao Ðức Giêsu có thể ban Thánh Thần trước khi lên trời, vì đã có lời rằng Thánh Thần sẽ không đến trước khi Ðức Giêsu được "tôn vinh". Theo các ngài, việc tôn vinh Ðức Giêsu chỉ được thực hiện qua việc Ðức Giêsu trở về cùng Chúa Cha.

 

Ngày nay, với tiến bộ của các nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta có thể đưa ra một giải đáp đơn giản hơn cho vấn đề hai lễ Hiện Xuống. Hai lần Hiện Xuống tương ứng với hai cách quan niệm và trình bày Hồng Ân Thánh Thần khác nhau, không loại trừ, mà đúng hơn bổ túc cho nhau, và cũng không phải tìm cách dung hòa chúng với nhau.

 

Dưới hai quan điểm và với hai quan tâm thần học khác nhau, Luca và Gioan mô tả cùng một biến cố căn bản của lịch sử cứu độ, đó là sự tuôn đổ Thánh Thần nhờ có hy tế Vượt Qua của Ðức Kitô. Sự tuôn đổ này được thể hiện bằng nhiều cách, ở nhiều thời điểm khác nhau. Theo cái nhìn của Luca, Thánh Thần được ban cho Giáo Hội chủ yếu là vì sứ mạng của Giáo Hội, vì thế ngài đã nhấn mạnh một trong những thời điểm đó, tức là năm mươi ngày sau Phục Sinh ; ngày mà người Dothái cử hành Lễ Ngũ Tuần : một thời điểm hẳn phải có âm vang và tầm quan trọng đặc biệt trong bước khởi đầu sứ mạng của Giáo Hội. Theo cái nhìn của Gioan, Thánh Thần chủ yếu là Hồng Ân Phục Sinh mà Ðức Kitô ban cho các môn đệ Ngài, vì thế Ngài làm nổi bật những biểu lộ đầu tiên của sự hiện diện mới mẻ của Thánh Thần ngay từ ngày Phục Sinh. Mặt khác, thánh Luca cũng không có ý trình bày việc Thánh Thần Hiện Xuống được thuật lại trong đoạn 2 sách Công Vụ như là lần hiện xuống độc nhất, vì trong phần tiếp theo, ngài còn cho biết những lần Thánh Thần hiện xuống khác, rất giống với lần đầu tiên (Cv 4, 31 ; 10, 44tt).

 

Luca giải thích việc ban Thánh Thần vào thời sau hết như đã hứa dựa theo lời tiên tri Yôel cũng như Khởi Nguyên 11, 1 - 9 : lễ Hiện Xuống thực sự là sự tuôn đổ Thần Khí tiên tri, và là sự khôi phục lại sự duy nhất vốn đã bị phá hủy ở tháp Babel. Gioan lại giải thích ơn đó dựa theo Khởi Nguyên 2, 7 (Thiên Chúa thổi hơi sống cho Ađam) và Ezekiel 37, 9 (hơi thổi của Thần Khí làm hồi sinh những bộ xương khô) : lễ Hiện Xuống là khởi đầu một đời sống mới và như là một sáng tạo mới.

 

Ngay từ đầu sách  Tin Mừng , Gioan đã thuật lại một lời hứa : một ngày kia sẽ có phép Thanh Tẩy trong Thánh Thần (Yn 1, 33). Lời hứa này được củng cố và xác định rõ trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ xứ Samari về Nước hằng sống (Yn 4, 14). Sau đó, lới hứa lại được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với việc Ðức Giêsu được tôn vinh (Yn 7, 39) mà như chúng ta biết, việc tôn vinh đó không phải chỉ là Phục Sinh mà còn là sự giương cao trên Thập Giá và là Thập Giá vinh quang. Thật không thể nào nghĩ rằng Gioan kết thúc  Tin Mừng mà lại không cho thấy lời hứa đó đã được thực hiện, hoặc nghĩ rằng ngài đưa ra việc thực hiện lời hứa đó sang một cuốn sách khác, sách Công Vụ các Tông Ðồ, một cuốn sách mà có lẽ ngài cũng không biết là nó có.

 

Bởi đó, chúng ta có một lễ Hiện Xuống trong Tin Mừng Gioan, một trình thuật về việc Chúa Thánh Thần ngự đến. Cũng như đối với lễ Phục Sinh, lịch sử phụng vụ Giáo Hội đã xác nhận rõ ràng về điều đó. Trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội, lễ Hiện Xuống được giải thích theo hai hướng chính. Theo hướng thứ nhất, lễ Hiện Xuống, là lễ mừng Chúa Thánh Thần ngự đến vào "ngày thứ năm mươi" sau lễ Phục sinh, và đây là hướng về sau được xác nhận và trở thành phổ biến cho đến ngày nay. Theo hướng thứ hai, kỳ cựu hơn, lễ Hiện Xuống là lễ "Năm mươi ngày" sau Phục Sinh, tưởng niệm sự hiện diện thiêng liêng, hay hiện diện "theo Thần Khí" của Ðức Giêsu giữa các môn đệ, kể từ lúc Ngài Phục Sinh. Sự hiện diện này được hiểu như là kết quả đầu tiên của sự sống mới và là sự thể hiện trước đời sống vĩnh cửu. Chẳng hạn đối với Tertullien, lễ Hiện Xuống "là thời gian mà các môn đệ được củng cố rất nhiều lần về sự Phục Sinh của Chúa, thời gian khai mạc ân sủng Thánh Thần và là thời gian biểu lộ niềm hy vọng Chúa đến 4". Cũng trong chiều hướng này, thánh Athanase viết : "Tiếp theo lễ Phục Sinh là lễ Hiện Xuống, ngày lễ mà chúng ta đang hối hả tiến tới, như thể từ lễ này sang lễ khác, để mừng Chúa Thánh Thần, Ðấng hiện đã ở bên chúng ta trong Ðức Giêsu kitô 5".

 

Theo quan điểm kỳ cựu này, lễ Hiện Xuống bắt đầu lúc kết thúc canh thức Phục Sinh, và tiếp diễn như một ngày lễ duy nhất, kéo dài, như một ngày Chúa Nhật duy nhất, liên tục.

 

Và lập tức có máu và nước chảy ra.

 

Như vậy, ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã ý thức về hai lễ Hiện Xuống, hai cách trình bày về việc tuôn đổ Thánh Thần thời cánh chung. Khoa chú giải hiện đại tiến thêm một bước : nhìn nhận có một lễ Hiện Xuống theo Gioan, chắc chắn là như thế, nhưng khoa này đã xem lễ Hiện Xuống đó đã khởi đầu trên đồi Canvê, lúc Ðức Kitô chết, vì lúc Ngài chết cũng là lúc Ngài bắt đầu được tôn vinh. Có thể  nói : ngày nay, lối giải thích này đã được chấp nhận, không phải bản cãi, dù rằng các nhà chú giải chưa phải đã rút ra được tất cả các hệ quả.

 

Khi thánh sữ gioan nói : Ðức Giêsu "gục đầu xuống, Ngài phó thác Thần Khí" (19, 30) thì như thường thấy nơi Gioan, ngài muốn nói lên hai sự thật, một thuộc bình diện tự nhiên và lịch sử, một thuộc bình diện thần bí : Ðức Giêsu trút hơi thở và sai Thần Khí. Nước chảy từ cạnh sườn bị đâm thâu được Gioan hiểu như là sự thực hiện lời hứa về những dòng sông tuôn chảy nước hằng sống tự lòng Ngài và như dấu chỉ của Thần Khí mà các kẻ tin vào Ngài sẽ được lãnh nhận (Yn 7, 39). Ở đây, trong Phép Rửa của Giáo Hội, nước biểu thị điều mà chim câu biểu thị lúc Ðức Giêsu chịu phép rửa : một biểu tượng hữu hình của thực tại vô hình là Thánh Thần. Ðiều đó còn được Gioan xác nhận cách minh nhiên khi ngài nói đến ba nhân chứng cho Ðức Giêsu : "Thánh Thần, nước và máu" (1Yn 5, 8) và điều này rõ ràng qui chiếu về đồi Canvê. Nước và máu là những phương thế Bí Tích qua đó Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội, hay nói một cách đơn giản, nước là máu là biểu tượng của việc Thánh Thần thực sự tuôn tràn trên Giáo Hội. Trong bản dịch Thánh Kinh Ðại Kết (TOB), chúng ta thấy đoạn Gioan 19 cũng được hiểu theo nghĩa biểu tượng : vả lại dựa vào văn mạch và giọng văn rất trang trọng của chính bản văn, đoạn văn này buộc phải hiểu theo nghĩa đó 6.

 

Ðức Kitô sinh thì tuôn ban Thần Khí như Gioan đã hiểu là điều mà ngay cả các Giáo Phụ đầu tiên cũng đã nhận ra. Ðề tài này được các ngài đề cập trong mối liên hệ với chủ đề thuộc hôn lễ, đó là chủ đề về Giáo Hội, Evà Mới, sinh ra từ cạnh sườn Ðức Kitô, Ađam Mới chìm trong giấc ngủ sự chết, chúng ta hãy nghe một bài giảng lễ Phục Sinh vào cuối thế kỷ II hoẵc đầu thế kỷ III. "Vì muốn phá hủy các việc làm của người đàn bà (Evà) và chống lại kẻ mang sự chết, tức là người nữ xuất từ cạnh sườn Ađam thuở ban đầu, thì này đây Người khai mở cạnh sườn Rất Thánh của Người để từ đó máu, nước tuôn trào như những khúc dạo đầu cho hôn lễ thiêng liêng và thần bí và như là dấu chỉ cho ơn nghĩa tử và sự tái sinh ... "Quả thực, Ngài sẽ thanh tẩy anh em trong Thánh Thần và lửa" (Mt 3, 11) ; nước chỉ Phép Rửa trong Thánh Thần, máu chỉ Phép Rửa trong lửa 7". Tác giả còn nhận ra một ám chỉ về sự tuôn đổ Thánh Thần trong Lc 23, 46 và trình bày trong chiều kích vũ trụ của nó : "Cả vũ trụ sắp rơi trở lại vào hỗn mang, sắp biến tan bởi nỗi kinh hoàng do cuộc Khổ Nạn, nếu như Ðức Kitô đã không tuôn ban Thần Khí của Ngài khi kêu lên : "Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha:       (Lc 23, 46). Mọi vật rung chuyển, đảo lộn vì sợ hãi. Nhưng khi Thánh Thần Thiên Chúa lại bay lên thì vũ trụ như được hồi sinh, tác sinh, củng cố và tìm lại được sự vững chãi của mình 8". Thần Khí mà Ðức Giêsu tuôn ra từ trên Thập Giá được đối chiếu với Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước thuở khai thiên (x. Kn1, 2). Vì thế cái chết của Ðức Kitô được xem như một cuộc sáng tạo mới.

 

Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm bức icône đóng đinh mà trong phần nói về mầu nhiệm Vượt Qua chúng ta đã học cách nhìn ngắm. Các thời điểm, giai đoạn khác nhau mà Gioan nhắc đến liên quan đến cảnh này gắn liền với nhau rất chặt chẽ. Tất cả đều nằm trong sự hoàn tất, thực hiện chung cuộc lời Kinh Thánh. Sau khi đã ký thác Ðức Maria cho Gioan và Gioan cho Ðức Maria, Ðức Giêsu thấy rằng "mọi sự đã hoàn tất" (x. Yn 19, 28). Việc hoàn tất công trình của Ngài ở đây chính là việc khai sinh Giáo Hội mà Ðức Maria và Gioan là đại diện. Ðức Maria trong tư cách là Mẹ, Gioan trong tư cách là tín hữu. "Có thể nói, cảnh được mô tả trong các câu 25 - 27 là cảnh Giáo Hội khai sinh, nơi con người Ðức Maria và nơi người môn đệ yêu dấu ... Hành vi qua đó Ðức Giêsu hoàn tất công trình của Ngài là hành vi chỉ rõ rằng Mẹ của Ngài từ nay là "Người Nữ", là Nữ Tử Sion cánh chung mà các tiên tri đã nói tới, và cũng vì thế, Mẹ trở thành hình bóng của Giáo Hội ... Ðức Giêsu đã biểu lộ tình yêu tột cùng của Ngài trên Thập Giá khi Ngài thiết lập Dân Mới của Thiên Chúa nơi chính Mẹ Ngài và người môn đệ yêu dấu, và thông ban cho họ Hồng Ân Thánh Thần 9".

 

Ðàng sau bối cảnh đầy ý nghĩa và đầy những biểu tượng này, chúng ta cần nêu ra một sự kiện cụ thể khó có thể nghi ngờ về tính chất lịch sử của nó : Tự cạnh sườn của Ðức Giêsu bị lưỡi đòng người lính đâm thâu có một ít nước pha lẫn với máu chảy ra. Và vì đây là một chi tiết lịch sử nên thiết tưởng chúng ta có lý để nghĩ rằng dù suy diễn này không cùng giá trị với những suy diễn ở trên - chính Mẹ của Ngài hiện diện ở đó là người đã đến gần, dùng tay hay mảnh áo của mình lau đi tia nước và máu lăn chảy từ thân thể Người Con vừa tắt thở. Tôi không sao nghĩ được rằng một bà mẹ hiện diện ở đó và cuối cùng đã có thể đến bên xác con lại bỏ qua, không tự mình làm điều đó, hoặc đứng yên để người khác làm thay. Nếu sự việc diễn ra như chúng ta nghĩ thì Ðức Maria lúc bấy giờ đã lãnh nhận dấu chỉ khả giác của hoa quả đầu mùa của Thánh Thần. Chính Maria mới là người đầu tiên được "Thanh Tẩy trong Thánh Thần", dưới chân Thập Giá, trong tư cách là người đại diện cho cả Giáo Hội.

 

Thánh Thần, Ðấng ban sự sống.

 

Ở đây, điều quan trọng đối với thánh sử không phải là làm sáng tỏ điều liên quan đến những người trực tiếp lãnh nhận hồng ân là Ðức Maria, Gioan, các phụ nữ - cho bằng làm sáng tỏ điều liên quan đến tác giả của hồng ân là Ðức Giêsu, và chính hồng ân là Chúa Thánh Thần. Ðối với Gioan, đây là lúc "Hồng Ân Thiên Chúa" được ban hẳn cho thế gian, lúc lời hứa được hoàn thành, lúc chiếc bình bạch ngọc được đập vỡ và là lúc cả nhà ngát mùi thơm cam tùng (x. Yn 12, 3 ; Mt 26, 6). Vì thế chúng ta có thể tìm kiếm những điều mới mẻ mà các bản văn đó có thể mang lại về mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần, với điều kiện chúng ta nên hiểu các văn bản đó chỉ gián tiếp qui về Ðức Maria chứ không phải là trực tiếp.

 

Ðể tránh sự tùy tiện khi đào sâu ý nghĩa mối liên hệ giữa Ðức Maria và Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống theo Gioan, chúng ta chỉ có một con đường, đó chính là con đường chúng ta đã theo khi bàn về lễ Hiện Xuống theo Luca : tìm hiểu xem Thánh Thần là ai và đã làm gì trong  Tin Mừng Gioan để rồi sau đó áp dụng cho Ðức Maria. Cũng như Phaolô, Gioan đưa hướng khai triển mạc khải về Chúa Thánh Thần đến chỗ hoàn tất, và đây là một hướng khai triển khác mà tôi đã có ám chỉ đến trong chương trước : theo hướng này, Thánh Thần được xem không phải như một sức mạnh thần linh đến trên một số người, trong những trường hợp đặc biệt nào đó, để họ có khả năng thực hiện những hành động phi thường, nhưng như là "nguyên lý" hoặc "ngôi vị" thần linh, đi vào và cư ngụ trong tâm hồn con người mới. Ðó là Thánh Thần thánh hóa hơn là Thánh Thần tác giả các việc lạ lùng.

 

Trong Cựu Ước, cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về Chúa Thánh Thần như nói trên, xuất hiện lần đầu tiên là nơi tiên tri Ézékiel, lúc mà ở Israel, người ta bắt đầu nói tới một giao ước mới : "Trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong ngần, và các ngươi sẽ trở thành trong trắng ; Ta sẽ rửa các ngươi sạch mọi vết nhơ, quét sạch mọi uế thần các ngươi thờ lạy. Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng, lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá, ban tặng một quả tim biết yêu thương, Thần Khí của Ta, Ta sẽ đặt vào tận đáy lòng các ngươi, giúp các ngươi bước đi vững vàng theo Thánh Chỉ, tuân giữ và thi hành những quyết định của Ta" (Ez 36, 25 - 27). Ở đây Thánh Thần cũng gắn liền với nước và xuất hiện như nguyên lý cho cuộc canh tân nội giới, làm cho con người có khả năng tuân giữ luật Chúa và như thứ nước hằng sống làm nẩy sinh sự sống mới.

 

Gioan lấy lại những chủ đề này khi nói về Nước hằng sống. Theo ngài, Thánh Thần chủ yếu là nguyên lý của sự "tái sinh" hoặc "sinh bởi Trên" (x. Yn 1, 12 - 13 ; 3, 5), nguyên lý của sự sống mới, sự sống của Thần Khí như lời Ðức Giêsu : "Thần Khí mới tác sinh" (Yn 6, 63).

 

Thay vì nói "tái sinh bởi Thần Khí", thánh Phaolô lại nói đến Thần Khí làm cho ta trở thành "nghĩa tử" của Thiên Chúa (x. Rm 8, 15 - 16; Ga 4, 6). Thực ra cùng một cái nhìn. Thánh Phaolô cũng nói đến "Thần Khí ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô" (Rm 8, 2) và tạo nên con người mới, con người "bước đi theo Thần Khí" (x. Ga 15, 16). Như vậy, Thánh Tông Ðồ đã tổng hợp hai cách nhìn về Thần Khí : Thần Khí ban các đặc sủng và Thần Khí thông ban tình yêu trong tâm hồn. Cả hai đều là những tỏ hiện của cùng một Thần Khí, nhưng tỏ hiện thứ hai trỗi vượt hơn tỏ hiện thứ nhất, vì lòng mến tồn tại mãi thì cao cả hơn các đặc sủng sẽ bị tàn phai (1C 12 - 13).

 

Vậy theo Gioan, đó chính là Thần Khí mà Ðức Giêsu ban cho các môn đệ từ trên Thập Giá vào buổi chiều Vượt Qua. Thần Khí là chính sự sống của Ðức Giêsu, là "Thần Khí sự thật" làm cho Ðức Giêsu được nhận biết (x. Yn 16, 13) và bảo đảm sự hiện diện liên lỉ của Ðức Giêsu trong chúng ta và chúng ta trong Ðức Giêsu (x. Yn 14, 13). Thần Khí đó sẽ lưu lại trong lòng các môn đệ (x. Yn 14, 17). Ðó là Thần Khí mà Ðức Maria đã lãnh nhận được những hoa quả đầu mùa khi đứng bên Khổ Giá Ðức Giêsu.

 

Ðức Maria, người bạn của Thiên Chúa.

 

Phải chăng trước kia Ðức Maria đã không có Thánh Thần thánh hóa, Ðấng mà xét cho cùng, đồng nhất với chính ân sủng ? Hẳn nhiên là có, vì Người "đầy ân sủng" do được Thiên Chúa tuyển chọn. Tuy nhiên, sự hiện diện của Ðức Maria dưới chân Thập Giá xác định rõ Thần Khí và ân sủng mà nhờ đó Người đã được thánh hóa trước kia phát xuất từ đâu. Ân sủng đó phát xuất từ công trình cứu chuộc của Ðức Kitô, là chính "ân sủng của Ðức Kitô" và là "Thần Khí của Ðức Kitô".

 

Thánh Augustinô viết : "Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể yêu mến Ðức Kitô hay tuân giữ các giới răn của Ngài. Càng có ít Thánh Thần bao nhiêu chúng ta càng ít có khả năng làm điều đó bấy nhiêu, trong khi đó chúng ta càng có thể yêu Ðức Kitô, tuân giữ các giới răn của Ngài khi chúng ta càng có dồi dào Thánh Thần. Vì thế không phải vô lý mà Thánh Thần được hứa ban không những cho người chưa có mà cho người đã có Thánh Thần : cho người chưa có để họ được có Thánh Thần, cho người đã có để họ có Thánh Thần cách dồi dào hơn 10". Như vậy, Thánh Thần có thể cư ngụ trong tâm hồn con người theo mức độ dồi dào nhiều hay ít. Nếu về Ðức Giêsu, xét là con người, mà Kinh Thánh còn nói : "Ngài lớn lên về ân sủng" (x. Lc 2, 52), thì phải nói thế nào về những người khác, kể cả Ðức Maria ? Người được đầy ân sủng vào lúc truyền tin, theo những khả năng và sự cần thiết lúc bấy giờ, đầy ân sủng theo nghĩa tương đối chứ không tuyệt đối.

 

Kinh Thánh nói, Thiên Chúa ban Thánh Thần "cho những ai vâng phục Người" (Cv 5, 32). Sự vâng phục mà Ðức Maria thể hiện dưới chân Thập Giá đã trương rộng tâm hồn của Người và làm cho Người có khả năng đón nhận Thánh Thần trong một mức độ dồi dào hơn nữa. Thánh Thần tuôn đổ liên tục trên cuộc đời một con người tương ứng theo nghĩa vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả, với sự trương rộng tâm hồn liên tục, làm cho tâm hồn đó cũng có khả năng đón nhận và chiếm hữu Thiên Chúa. Nơi Ðức Maria cũng vậy, sự trương rộng hay sự xé nát tâm hồn đến tột cùng dưới chân Thập Giá tương ứng với một mức độ lớn lao hơn về ân sủng, về lòng tin, lòng cậy trông và nhất là lòng mến.

 

Một bản văn Công Ðồng nói, Ðức Maria "như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 11". Ðiều này không chỉ liên hệ đến lúc Ðức Maria thụ thai mà thôi, như thể mọi hoạt động của Chúa Thánh Thần trên Ðức Maria đã hoàn tất lúc đó. Cần phải trải dài hoạt động đó trong suốt cuộc đời của Người, nhất là lúc Người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua. Dựa vào những gì Gioan và Phaolô viết về tác động của Thánh Thần nơi các tín hữu, thì quả thực, chính trong mầu nhiệm Vượt Qua mà Ðức Maria được Chúa Thánh Thần hoàn hảo nhào nặn và tác thành, trở nên như một tạo vật mới, có khả năng yêu thương hết sức mình : "Vì cùng chịu đau khổ với Con mình chết trên Thập Giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt 12".

 

Ðã đến lúc phải nói về "đức ái nồng nhiệt" của Ðức Maria. Chúng ta đã chiêm ngắm đức tin của Ðức Maria trong mầu nhiệm Vượt Qua, giờ đây chúng ta chiêm ngắm đức ái của Người trong lễ Hiện Xuống. Thánh Phaolô xem tình yêu là hoa trái tuyệt hảo của việc Thánh Thần ngự đến : "Tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ xuống lòng ta nhờ bởi Thánh Thần Người đã ban cho ta" (Rm 5, 5). Theo thánh Augustinô, tình yêu ở đây là tình yêu mà "nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta yêu mến Ngài và yêu thương anh em", hơn là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ðó là tình yêu mà nhờ đó Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên bạn hữu của Ngài (dilectores sui).

 

Kinh Cầu Ðức Mẹ kể ra rất nhiều, thậm chí là quá nhiều tước hiệu, khó mà đếm nổi. Nhưng chúng ta hẳn phải thêm vào một tước hiệu khác : Ðức Maria, người bạn của Thiên Chúa ! Trong Cựu Ước có Abraham được gọi theo lối hoán xưng là người bạn của Thiên Chúa. "Abraham, bạn của Ta", chính Thiên Chúa gọi ông như thế (Ys 41, 8). Dân Irsael biết điều đó và họ đã dựa vào tình bạn này để được Chúa tha thứ : "Xin vì bạn thân Ngài là Abraham mà đừng rút lại lòng thương xót chúng tôi" (Dn 3, 35). Trong Tân Ước, từ nay Thiên Chúa có một người bạn : Ðức Maria. Phụng vụ áp dụng những lời sách Diệu Ca cho Ðức Maria : "Bạn hiền ơi, bạn xinh đẹp biết bao, xinh đẹp biết bao" (Dc 4, 1).

 

Như thế, khi áp dụng tiếng kêu hài lòng đó cho Thiên Chúa, Giáo Hội không hề đi ngược lại Lời Chúa. Thuở khai nguyên, chẳng phải Thiên Chúa đã tuyên bố rằng các tạo vật của Ngài "thật xinh đẹp" đó sao ? (Kn 1, 31). Sau nhân tính của Ðức Kitô, chắc chắn Ðức Maria là tác phẩm tuyệt vời nhất của Thiên Chúa, là kiệt tác của ân sủng Ngài. Chúng ta có thể dựa vào tình bạn này giữa Thiên Chúa và Ðức Maria : đó chính là điều mà trải qua bao thế kỷ, dân Kitô giáo đã làm bằng vô vàn cách.

 

Làm cho con người trở thành bạn hữu của Thiên Chúa, đó là công trình tuyệt hảo của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài cất đi quả tim bằng đá và ban cho quả tim bằng thịt, một trái tim vì yêu Chúa tự nguyện chu toàn điều Thiên Chúa truyền ban. Có lời chép về Ðức Khôn Ngoan rằng : "Qua các thế đại, khôn ngoan chuyển đến các linh hồn lành thánh, biến họ thành bạn của Thiên Chúa và thành tiên tri" (Kng 7, 27), không chỉ thành "tiên tri" mà còn thành "bạn" của Thiên Chúa, không chỉ thành nhiều người nói nhân danh Thiên Chúa, thực hiện những dấu chỉ, những việc lạ bởi sức Thánh Thần, mà còn trở nên những người mang tâm hồn của người con chứ không phải của kẻ nô lệ, yêu mến Thiên Chúa và kêu lên với người với tất cả tự do: Abba, lạy Cha !

 

Thánh Irênê nói, Thánh Thần làm cho chúng ta "ăn khớp" (aptat) với Thiên Chúa 14. Hình ảnh này khiến chúng ta  liên tưởng tới bác thợ mộc bào nhẵn những tấm ván để gắn chúng lại với nhau cho thật khít khao, hoặc đến người nhạc sĩ làm cho giọng này hòa với giọng kia, hoặc làm cho mỗi giọng riêng biệt hòa vào dàn hợp xướng. Nói cách khác, Ngài làm cho tư tưởng chúng ta hòa hợp với tư tưởng của Thiên Chúa, ý chúng ta với ý Chúa, tâm tình chúng ta với tâm tình của Ðức Kitô. Ngài là chính nguyên lý sự "thông hiệp" của chúng ta với Thiên Chúa 15.

 

Một nhà tiên phong quan trọng khác trong việc khám phá vai trò Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, thánh Basile, đã có một nhận xét rất tuyệt vời. Thánh nhân kể ra các hoạt động khác nhau của Chúa Thánh Thần : công trình tạo dựng sẽ không diễn ra nếu không có Ngài, tổ chức Giáo Hội tùy thuộc vào Ngài ; nhờ Ngài mà có các phép lạ, việc lạ. Nhưng ở tâm điểm các hoạt động xuyên qua con người chứ không dừng lại nơi chính con người, thánh Basile nhận thấy có một hoạt động đặc biệt khác với các hoạt động khác, một hoạt động thực dụng chạm đến chính con người và mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Ngài lặp lại hai lần : Chúa Thánh Thần "tạo nên sự thân thiết với Thiên Chúa". Vậy sự "thân thiết (okeiosis) đó là gì ? Trực giác về điều này thì dễ hơn là định nghĩa nó ; mặc dù đó là một cái gì rất thật, rất cụ thể. Nhưng nó không phải là một ý tưởng hay một sự vật cho bằng là một trạng thái tâm hồn, một cảm giác. Sự thân thiết làm tiêu tan nỗi sợ hãi Thiên Chúa, thay vào đó là nỗi khát mong mãnh liệt trong tâm hồn, muốn làm cho Thiên Chúa vừa lòng, đẹp ý. Lòng khao khát này giúp xa tránh tội nhiều hơn và tốt hơn là sự sợ hãi tội lỗi. Chính sự thân thiết khiến cho vợ chồng có thể sống thật sự tự do trước mặt nhau, không phải che đậy, giấu diếm điều gì.

 

Về phần mình, Thiên Chúa "thân thiết" với chúng ta, bởi Ngài đã hứa đến ở "trong chúng ta" (intus), biến tâm hồn chúng ta thành nơi cư ngự của ngài (x. Yn 14, 17). Thậm chí, Ngài hiện diện "thâm sâu nơi tôi hơn cả chính tôi 17". Thánh Thần trợ giúp chúng ta để chúng ta cũng thân thiết với Thiên Chúa, nghĩa là hiện diện với Ðấng Hiện Diện, không để mình tản mạn ra bên ngoài trong lúc ngài hiện diện sâu trong chúng ta.

 

Thánh Basile nói, những tâm hồn mang Chúa Thánh Thần, những "pneumatophores" làm tỏa lan ân sủng ra quanh mình như "những vật thể trong suốt trở nên lấp lánh khi một tia sáng chiếu vào và chúng ta phải chiếu ánh sáng đó lên những vật thể khác 18". Ðức Maria đó là tâm hồn mang Thánh Thần tuyệt hảo (l’âme pneumatophore) : là kẻ mang Thánh Thần. Chúng ta đưa ra ý tưởng đó không phải do diễn dịch cách tiên thiên (a priore) từ một nguyên lý trừu tượng nào đó, nhưng là đón nhận lấy cách hậu nghiệm (a posteriori) từ những gì chúng ta đã nhìn thấy, đã quan chiêm, đã sờ chạm đến trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội. Chính Luther từng nói về Ðức Maria : "Không một hình ảnh phụ nữ nào cho người những ý tưởng thuần khiết đến mức như Ðức nữ Trinh 19". Ðức Maria là sự lộ hiện trong suốt của Thiên Chúa. Nơi con người và nơi cuộc đời của Người, Thiên Chúa hiện lộ.

 

Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi.

 

Lần này, việc chuyển từ Ðức Maria sang Giáo Hội sẽ rất ngắn, vì tất cả đã được nói rồi. Thậm chí cũng chẳng có sự phân biệt nào giữa Ðức Maria và Giáo Hội, bởi lẽ theo Gioan, Mẹ đứng dưới chân Thập Giá như là khởi đầu và là hình ảnh của Giáo Hội để đón nhận những hoa quả đầu mùa của Thánh Thần. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc lại một số điểm trong đó mẫu gương của Ðức Maria cũng như mối tương quan của Người với Thánh Thần thánh hóa chắc hẳn chứa đựng rất nhiều bài học cho chúng ta trong thời điểm lịch sử đó.

 

Trong lễ Hiện Xuống theo Gioan, Ðức Maria nhắc chúng ta nhớ rằng dù đã chịu Phép Rửa, đã lãnh nhận ân sủng và Thánh Thần, chúng ta vẫn có thể và phải cầu nguyện để Thần Khí một lần nữa lại được đổ xuống trên chúng ta. Rằng trong cuộc đời chúng ta ít ra cũng phải có được hai lễ Hiện Xuống. Rằng, cũng như đối với Ðức Maria, một trong hai lễ Hiện Xuống đó thường xảy ra lúc chúng ta đứng dưới chân Thập Giá với lòng yêu mến và vâng phục. Thánh Augustinô nhắc chúng ta rằng, chỉ duy có Ðức Giêsu, Ðấng đã lãnh lấy Thánh Thần cách vô lường hạn, mới không cần phải lãnh nhận nhiều lần mà vẫn có Thánh Thần ngày càng dư dật đầy tràn. Còn mọi người khác đều phải lãnh nhận nhiều lần thì mới có Thánh Thần nhiều thêm mãi. Không phải vì Thánh Thần bị giới hạn trong việc tự trao ban mà là vì chúng ta bị giới hạn trong việc đón nhận Ngài. Vả lại, chính Ðức Giêsu, dù có Thánh Thần đầy tràn, vô lường hạn, do sự hiệp nhất với Ngôi Lời, nhưng Ngài cũng đã lãnh nhận Thánh Thần theo một cách thức mới nơi sông Giođan để có thể thực hiện sứ mạng Thiên Sai Cứu Thế của Ngài. Mỗi một sứ mạng mới Thiên Chúa giao phó cho chúng ta đều cần phải có một ân sủng tương ứng và một cuộc thăm viếng mới của Chúa Thánh Thần. Vì thế mà Ðức Maria, dù được đầy ân sủng từ lúc thụ thai, vẫn lãnh nhận Thánh Thần nhiều lần : lúc Truyền Tin, dưới chân Thập Giá và nơi nhà Tiệc Ly.

Tôi còn muốn đưa ra ánh sáng một bài học khác, bài học rút từ sự chiêm ngắm Ðức Maria trong lễ Hiện Xuống theo Gioan. Ðức Maria nhắc nhở chúng ta đâu là giới luật đầu tiên và quan trọng nhất : "Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi ; và đồng loại ngươi như chính mình" (Lc 10, 27). Người nhắc chúng ta nhớ rằng chỉ có lòng mến là "không hề tàn tạ"     (1C 13, 8). Mọi sự sẽ chấm dứt : các nhân đức, các đặc sủng, đức tin, đức cậy ... chỉ có tình yêu là không bao giờ qua đi. Rằng giá trị con người tùy theo mức độ người đó yêu mến Thiên Chúa và anh em đồng loại, không còn gì khác nữa.

 

Như đã nói ngay từ đầu, Ðức Maria là hình bóng và là khuôn mẫu của Giáo Hội, nhưng không theo kiểu làm mẫu của con người, đứng bất động để người ta họa lại chân dung, càng bất động bao nhiêu thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Ðức Maria là khuôn mẫu hoạt động, giúp chúng ta noi theo Người. Giống như người hướng dẫn leo núi : sau một đoạn đường khó khăn, ông ta chờ những người theo mình vượt qua được đoạn đường đó, nếu thấy họ không vượt nổi, ông quay trở lại, nắm tay giúp họ đi lên. Ðó là điều Ðức Maria làm cho chúng ta. Người giúp chúng ta nhất là trong đoạn đường "Vượt Qua" quyết định, đưa chúng ta ra khỏi lòng yêu bản thân để đi vào lòng mến đối với Thiên Chúa. Người dạy chúng ta nghệ thuật cao cả, nghệ thuật yêu Chúa. Trong Giáo Hội, Ðức Maria được kêu cầu là "Mẹ của tình yêu cao đẹp", một lời rút ra từ trong Kinh Thánh (Hc 24, 18) không phải là không hợp lý.

 

Kinh Thánh mời gọi chúng ta yêu mến Thiên Chúa bằng hai mối tình khác nhau, dù chúng phát xuất từ cùng một Thần Khí : tình hiền tử (amour filial) và tình hiền thê (amour sponsal). Tình hiền tử là tình yêu được diễn tả bằng sự vâng phục. Nó hệ tại ở việc tuân giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa như Ðức Giêsu yêu mến Cha và đã giữ lệnh truyền của Cha (x. Yn 15, 10). Bạn muốn yêu Chúa nhưng không biết phải làm thế nào ư ? Bạn bất lực không cảm thấy niềm hướng vọng hay cảm mến nào đối với Thiên Chúa ư ? Rất đơn giản : bạn hãy bắt đầu tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, nhất là lệnh truyền mà lúc này Lời Ngài ban cho bạn, rồi bạn sẽ biết một cách chắc chắn là mình đang yêu mến Ngài ! Như lời tiên tri Ézékiel, Thần Khí được ban cho chúng ta là để chúng ta có thể đem ra thực hành mọi luật điều của Thiên Chúa (x. Ez 11, 20).

 

"Tình hiền thê" là mối tình bao hàm sự chọn lựa. Người ta không chọn lựa cha mình nhưng chồng hay vợ thì lựa chọn nhau. Yêu Thiên Chúa bằng tình hiền thê nghĩa là chọn Chúa, mỗi lần đều lựa chọn lại cách ý thức, chọn Ngài là Thiên Chúa của mình, là tất cả cho mình, bằng cách từ bỏ ngay cả bản thân nếu cần, để có thể chiếm hữu Ngài. "Quả vậy, yêu Chúa có nghĩa là vì Chúa mà trút bỏ tất cả những gì không phải là Chúa 20".

 

Như thế, con đường chúng ta theo bước Ðức Maria đã đạt tới điều "sẽ không bao giờ cùng" là đức   mến ; đạt tới điểm mà ở đó đời sống hiện tại mở ra với đời sống vĩnh cửu. Chúng ta dừng lại nơi đây. Người mà cho đến bây giờ vẫn đi trước chúng ta như là "con đường" để đến với Chúa, thì giờ đây đứng trước chúng ta như "cánh cửa" để bước vào Trời : Janua coeli, cửa Trời (cửa Thiên Ðàng), như lòng đạo đức Kitô hữu đã gọi Người.

 

Khi chuyển từ các đặc sủng sang đức mến, thánh Phaolô viết : "Tôi sẽ chỉ cho anh em một con đường siêu vời" (1C 12, 31). Những lời trên có thể áp dụng cho Ðức Maria một cách rất chính xác : Tôi sẽ chỉ cho anh em một con đường trổi vượt : Maria ! Chúng ta biết rõ chỉ mình Ðức Giêsu là đường đích thực. Ðức Maria chỉ là "con đường tốt nhất" để đến với Ðức Kitô, hay đúng hơn, là con đường qua đó Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Con đường tốt nhất theo nghĩa là con đường dễ đến gần nhất, gần gũi với thân phận hiện tại của chúng ta nhất, vì cũng như chúng ta, Ðức Maria đã tiến bước trong đức tin, đức cậy và đức mến. Maria là thành phần của con đường lớn là Lời Chúa, Người là một lời hành động, hay đúng hơn, một lời bằng xương bằng thịt.

 

Chính vì Ðức Maria là thành phần của Lời Chúa mà chúng ta có thể áp dụng cho Người điều ta đọc thấy trong sách tiên tri Isaia, như thể chính Thiên Chúa đề ngị với chúng ta về Ðức Maria : "Ðường kia kìa, hãy đi theo đó" (Ys 30, 21). Thánh Bênađô nói rằng, Ðức Maria là "con đường hoàng vương" qua đó Thiên Chúa đã đến với chúng ta, và giờ đây chúng ta có thể đi đến với Ngài qua con đường đó 21. Ngày xưa, con đường hoàng vương là con đường được gìn giữ cách đặc biệt kỹ lưỡng, thẳng và rộng, để đức vua hay hoàng đế đi qua lúc viếng thăm một thành.

 

Một nghệ sĩ có thể đào tạo các môn đệ của mình bằng cách đề nghị họ đọc những tác phẩm do ông viết để biết được những tư tưởng của ông về nghệ thuật, chẳng hạn về hội họa. Ông cũng có thể mời họ xem những bức tranh ông vẽ, và nhất là bức tranh mà ông coi là kiệt tác của mình. Chính theo cách thứ hai này mà Chúa Thánh Thần dùng Ðức Maria để dạy chúng ta bước theo Ðức Kitô. Có người nghệ sĩ nào lại tự cho mình bị xúc phạm khi thấy các học trò ngồi quanh kiệt tác của mình, ngây ngất và chiêm ngắm lâu dài để cố gắng bắt chước, thay vì chỉ giới hạn ở việc đọc các tác phẩm ông viết về nghệ thuật ? Vậy thì tại sao lại nghĩ rằng việc chiêm ngắm Ðức Maria sẽ làm mất đi điều gì đó của Ðức Kitô hoặc của Chúa Thánh Thần ? Hẳn nhiên, để việc chiêm ngắm và tôn kính Ðức Maria được đúng đắn thì chúng ta cần phải thực hiện trong tinh thần và ý thức hết sức mãnh liệt mà Ðức Maria luôn mang trong tâm hồn : Người chỉ là khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa. Nhưng, chúng ta phải thành thực nhìn nhận rằng : trong quá khứ không phải lúc nào người ta cũng giữ được điều đó.

 

 

CHÚ THÍCH

 

1. Saint Augustin, Sermon 265, 8, 9 (PL 38, 1222) ; Sur l’Évangile de Jean 74, 2 (CC 36, p. 513).

2. Cf. Saint Cyrille de Jérusalem, Catéchèse XVII, 12 - 14 (PG 33, 984s).

3. Saint Cyrille d’Alexandrie, Sur l’Évangile de Jean XII, 1 (PG 74, 716ss).

4. Cf Tertullien, Sur le baptême 19, 2 (CC 1, p. 293).

5. Saint Athnase, Lettres festales 14, 6 (PG 26, 1422).

6. Cf. Traduction Oecuménique de la Bible, Paris, 1985, ad. Loc.

7. Ancienne homélie pascale 53 (SCh 27, p. 181).

8. Ibid. 55 (SCh 27, p. 183).

9. I. De la Potterie, "Le symbolisme du sang et de l’eau en Jean 19, 34", dans Didaskalia 14, 1984, p.

    217s.

10. Saint Augustin, Sur l’Évangile de Jean 74, 2 (CC 36, p. 514).

11. Lumen Gentium 56.

12. Ibid. 61.

13. Saint Augustin, L’Ésprit et la lettre 32, 56 (PL 44, 237).

14. Saint Irénée, Contre les hérésies III, 17, 2 (Scl 211, p. 332).

15. Saint Irénée, Contre les hérésies V, 1, 1 (SCh 153, p. 20).

16. Saint Basile, Sur l’Éprit Saint 19, 49 (PG 32, 157).

17. Saint Augustin,, Confessions III, 6.

18. Saint Basile, Sur l’Éprit Saint, 9, 23 (PG 32, 109).

19. Luther, Kirchenpostille (éød. Weimar, 10, 1, p. 168).

20. Saint de la Croix, La Montée du Carmel II, 5, 7.

21. Cf Saint Bernard, Homélie I pour l’Avent (éd. Cister. IV, Rome, 1966).


Trở Về Trang Mục Lục
Trở Về Trang Nhà