Lễ Chúa Giáng Sinh – 25-12-2020

Lm. John P. Cush. STD

Readings for Mass During the Day: Is 52:7–10 • Ps 98:1, 2–3, 3–4, 5–6 • Heb 1:1–6 • Jn 1:1–18  

bible.usccb.org/bible/readings/122520.cfm.

 

Trong mùa lễ này, chúng ta đang bận tâm về rất nhiều thứ, trong đó không thể không kể đến các quà tặng, nói rõ ra là tặng quà và nhận quà. Có một qui tắc nhất định về việc tặng quà và nhận quà, nhưng thực chất của vấn đề theo lý thuyết tương giao của nhà xã hội học nổi tiếng Emily Post (1), thì Thiên Chúa Cha chính là Đấng tặng quà vô cùng hào phóng, còn chúng ta, con cái yêu dấu của Thiên Chúa, được coi là những người bất xứng.

Theo lẽ thường tình trong xã hội, người tặng quà cần phải cân nhắc hai điều. Điều trước tiên là quà phải có tính cách trao đổi và có giá trị cân xứng. Về quà tặng của Thiên Chúa Cha, tức món quà đích thực, tận tình là chính Chúa Giê-su Kytô, Con Một của Ngài, thì so với quà tặng này không một quà tặng nào khác có thể tương xứng và xứng đáng được. Đây là tính độc đáo của Giao ước Thiên Chúa đã thiết lập với dân Người, tức Giao ước được thiết lập với A-đam, được tái lập với Nô-ê, được củng cố và phê chuẩn muôn đời với Mô-sê, được tái lập với Đa-vít, và cuối cùng được thực hiện cụ thể và vĩnh viễn trong Ngôi vị của Đức Giêsu Kytô .

Theo bản chất, Giao ước phải là một hiệp ước giữa hai bên bình đẳng; nhưng Giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người lại không như vậy. Thiên Chúa là Thiên Chúa, còn chúng ta không phải là Thiên Chúa; Người là vĩnh cửu, còn chúng ta là nhất thời; Người toàn năng còn tất cả chúng ta mỏng giòn; Người luôn trung thành và nhân từ; còn chúng ta lại hay thay đổi và gian ác do bản chất hay sa ngã của con người chúng ta. Món quà đó là tình yêu của Thiên Chúa đã trở nên xác phàm; món quà đó là ơn cứu rỗi cho chúng ta trong hình hài một trẻ sơ sinh yếu ớt, không nơi nương tựa, được sinh ra cho thế gian từ cõi vĩnh hằng. Đó là món quà chúng ta không xứng đáng nhận lãnh và chúng ta không thể đáp lại, thậm chí không thể đền đáp Người thế nào cho xứng. Đây là món quà tuyệt hảo, toàn vẹn, hoàn toàn ban nhưng không. Vậy để biết món quà đáng trân quý thế nào, chúng ta phải biết thiện ý của người tặng. Sở dĩ lý do duy nhất tại sao Thiên Chúa, Đấng tặng quà, đã ban Con của Người cho chúng ta là vì Người yêu thương chúng ta và muốn chúng ta được cứu độ.

Đối với người nhận quà, theo phép giao tế, người ấy phải hiểu rõ ý nghĩa của việc nhận quà. Chúng ta có thực sự hiểu rõ ý nghĩa của việc đón nhận món quà Ánh sáng Tinh tuyền của Tình yêu Con Thiên Chúa, trong cuộc sống chúng ta không? Nếu muốn đón nhận món quà là Chúa Giê-su, chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cuộc sống; chúng ta phải trở thành Đấng chúng ta tiếp nhận là Chúa Giêsu Kytô, Chúa của chúng ta. Rồi khi chúng ta thay đổi, thì chúng ta lại phải vi phạm một quy tắc khác của việc tặng quà, đó là không được tặng lại cho người khác! Tặng lại là một trong những việc chúng ta không muốn chấp nhận trong một số hoàn cảnh; vì đó là sự giả dối và có thể gây tổn thương cho người khác – Hãy thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tặng lại món quà cho chính người đã tặng nó cho chúng ta lúc trước? Nhưng đối với quà tặng là Chúa Giêsu thì khác, chúng ta phải tặng lại cho người khác. Chúng ta phải nhận ra Chúa Kytô nơi người khác và khi làm như vậy, chúng ta phải trở nên Chúa Kytô đối với người khác.

Dù tặng quà và nhận quà thì quà tặng sau cùng, quà tặng không ngừng cho đi, đó là chính Chúa Kytô.  Một khi chúng ta nhận được quà tặng này, chúng ta phải biết chia sẻ cho người khác. Đy là ân phúc và cũng là lời mời gọi của Lễ Chúa Giáng sinh.

 

Nguồn: Homiletic Pastoral & Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm B