CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Đừng gạt bỏ điều răn Chúa mà duy trì truyền thống loài người

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 4:1-2, 6-8;  Gc 1:17-18, 21b-22, 27;  Mc 7:1-8a, 14-15, 21-23)

        Trong thời Chúa Giê-su cũng như thời đại chúng ta, mối nguy hiểm cho việc sống đức tin là người ta quá coi trọng những truyền thống do tổ tiên để lại nên quên đi những chân lý cốt yếu được các truyền thống ấy diễn tả.           Chính vì Chúa Giê-su can đảm và thẳng thắn đả kích thái độ lầm lẫn này của nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư mà Người đã trở thành kẻ thù không đội trời chung của họ.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy biết phân biệt điều răn Chúa với các truyền thống cũng như giới luật của người phàm, để tránh thái độ đạo đức giả nhưng thờ phượng Chúa với tất cả tâm hồn chứ không phải bằng môi bằng miệng.  Trong diễn từ thứ nhất nói với dân chúng, ông Mô-sê đã đề cao vinh dự của Ít-ra-en là “dân tộc vĩ đại” vì được Thiên Chúa đoái thương ban cho Lề Luật (bài đọc 1).  Tuy nhiên sau này, Lề Luật đã được các nhà lãnh đạo Do-thái giáo giải thích theo ý họ, thêm thắt quá nhiều chi tiết và biến thành những truyền thống của người phàm.  Ngay cả động lực tuân giữ Lề Luật cũng bị thay đổi, không phải vì lòng yêu mến Thiên Chúa, mà vì muốn phô trương bề ngoài và khoe khoang mình thánh thiện.  Nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư đã đi theo con đường lầm lạc này. Chính những người này đã bị Chúa Giê-su cực lực lên án, vì họ gạt bỏ điều răn Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm (bài Tin Mừng).  Sau cùng, thánh Gia-cô-bê đã theo gương Chúa Giê-su mà kêu gọi Ki-tô hữu hãy thực hành đem “Lời chân lý”, tức Tin Mừng Chúa Ki-tô, mà thực hành chứ đừng nghe suông (bài đọc 2).

 

        1.  Ít-ra-en là dân tộc vĩ đại và thông minh nhờ có Thiên Chúa ở gần và có luật pháp là Lề Luật.  Trước khi tiến vào Đất Hứa và công bố Mười Điều Răn, trong diễn từ thứ nhất, ông Mô-sê đã nói với dân Ít-ra-en về tầm quan trọng của Lề Luật.  Quốc gia nào cũng có luật pháp của nó, phát sinh từ những kinh nghiệm lâu dài của dân tộc và từ suy tư của các nhà lãnh đạo.  Đó cũng là cách luật pháp của Ít-ra-en được hình thành, nhưng kinh nghiệm của Ít-ra-en là kinh nghiệm của mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, Đấng luôn bênh vực họ trên đường về Đất Hứa.  Do kinh nghiệm này, luật pháp của Ít-ra-en khác hẳn với luật pháp của các dân tộc khác vì chỗ đứng của Thiên Chúa tuyệt đối quan trọng.  Ngay từ đầu, Ít-ra-en đã cảm nghiệm niềm kiêu hãnh là một dân tộc tự do vì họ có Thiên Chúa giải phóng và bảo vệ họ.  Đồng thời họ thấy mình có trách nhiệm phải sống như là dân Chúa, vì Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập là để họ phụng thờ Người.  Tất cả những điều này là bối cảnh để Mười Điều Răn được ban hành, như chúng ta thấy trong diễn từ thứ hai của ông Mô-sê. 

        Vậy trước khi công bố Mười Điều Răn, tức Lề Luật của Thiên Chúa ban cho dân Người, ông Mô-sê nhấn mạnh những điểm sau đây.  Thứ nhất, “anh em hãy nghe và đem ra thực hành thì sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất Thiên Chúa ban cho anh em”.  Đối với dân Ít-ra-en, tuân giữ Lề Luật là điều kiện để được sống và được vào Đất Hứa.  Cũng thế, đối với Ki-tô hữu, tuân giữ Lề Luật Mới, tức Tin Mừng, cũng là điều kiện để ta được sống như con cái Chúa và được vào Nước Trời.  Thứ hai, “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ mệnh lệnh của Đức Chúa”.  Mặc dù ông Mô-sê đã nói rõ ràng như thế, nhưng con cháu Ít-ra-en sau này đã không nghe lời ông.  Các người Pha-ri-sêu và kinh sư đã giải thích, thêm bớt vào Lề Luật ông Mô-sê truyền cho họ và những thêm bớt đó đã trở thành những luật khẩu truyền (người ta kể ra tới 613 điều tất cả!).  Chúng ta đừng tưởng là ngày nay không còn chuyện tạo ra những “truyền thống của người phàm” giữa lòng Giáo Hội.  Bên cạnh luật Chúa và luật Giáo Hội, chúng ta có biết bao nhiêu luật lệ, chỉ thị… được các vị lãnh đạo địa phương đưa ra.  Nhiều khi còn đi tới tình trạng “phép vua thua lệ làng” nữa!  Bên cạnh phụng vụ thánh của Giáo Hội, chúng ta cũng có biết bao hình thức thờ phượng khác, mặc dù chúng giúp cho việc phụng thờ thêm khởi sắc, nhưng cũng có rất nhiều hình thức không thể chấp nhận được, nếu không nói lả mê tín dị đoan.

        Một quốc gia có nền tư pháp đúng đắn sẽ là quốc gia có trật tự và được các quốc gia khác kính nể.  Dân tộc Ít-ra-en, nhờ có Lề Luật là Mười Điều Răn của Thiên Chúa ban truyền qua ông Mô-sê, đã được các dân tộc khác tôn vinh là “dân khôn ngoan và thông minh”.  Như vậy đủ biết Mười Điều Răn cao trọng và quý giá biết chừng nào!

 

        2.  Chúa Giê-su bảo vệ các Điều Răn của Thiên Chúa, trong khi đám Pha-ri-sêu và kinh sư lại duy trì truyền thống của người phàm.  Không biết đã từ bao lâu, Mười Điều Răn của Thiên Chúa bị “những người lãnh đạo đui mù” làm mất đi ý nghĩa cốt yếu của lúc ban đầu khi ông Mô-sê ban hành.  Chúa Giê-su đã thấy rõ tình trạng đáng buồn này và Người quyết tâm thay đổi não trạng của các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như của dân chúng.  Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su phản biện nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư khi họ lên tiếng phê bình môn đệ Chúa vì các môn đệ “dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”!  Theo “truyền thống của tiền nhân”, mọi người Do-thái phải rửa tay cẩn thận trước khi ăn.  Đám Pha-ri-sêu và kinh sư gay gắt hỏi Chúa:  “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”  Chúa Giê-su nắm ngay lấy cơ hội này để dạy cho “những kẻ đạo đức giả” kia một bài học điều gì mới thực sự là ô uế.  Chúa mở đầu với lời ngôn sứ I-sai-a:  “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.  Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.  Tiếp theo, Chúa Giê-su thẳng tay lên án họ:  “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.  Chúa muốn nói rằng đám Pha-ri-sêu và kinh sư đã đặt các luật lệ họ đưa ra lên trên cả các điều răn của Thiên Chúa.  Những điều răn như mến Chúa yêu người thì họ không cho là không quan trọng, nhưng “rửa tay trước khi ăn” đối với họ lại quan trọng hơn cả Luật Chúa!

        Sau khi vạch mặt giả hình đám Pha-ri-sêu và kinh sư xong, Chúa Giê-su không quên dân chúng đâu.  Họ cũng cần có một bài học.  “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế đươc;  nhưng cái từ con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế”.  Chúng ta đừng “ngu tối” như các môn đệ Chúa vì họ không hiểu Chúa nói gì.  Thực sự Chúa chỉ đưa ra “hình ảnh tiêu hóa” để dạy đám Pha-ri-sêu, các kinh sư và dân chúng biết đâu là sự ô uế đích thực.  Ô uế đích thực là “những ý định xấu như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”;  những thứ này từ bên trong tức từ tâm hồn mà xuất ra ngoài và làm cho người ta ra ô uế.  Những thứ “ô uế” này có khác gì những thứ trong ruột chúng ta xuất ra ngoài và làm cho người ta ra nhơ bẩn!

        Đến đây, Chúa Giê-su muốn trở lại với lời ngôn sứ I-sai-a, để nhắn nhủ đám Pha-ri-sêu và kinh sư:  Hãy trở về với tinh thần cốt lõi của việc giữ luật:  hãy tuân giữ Lề Luật bởi động lực chính đáng là vì yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, chứ đừng bày ra luật này luật kia thành các truyền thống và bắt người ta tuân giữ!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta đã nghe ông Mô-sê trình bày tầm quan trọng của Lề Luật tức Mười Điều Răn Thiên Chúa.  Chúng ta cũng đã nghe Chúa Giê-su lên án thái độ giả hình của đám Pha-ri-sêu và kinh sư khi họ chê trách các môn đệ Chúa không tuân thủ giữ các truyền thống của tiền nhân.  Giờ đây, bài học thực hành sứ điệp Lời Chúa sẽ được thánh Gia-cô-bê trình bày.  Trước hết ngài ngợi khen Thiên Chúa Cha là Đấng tạo dựng muôn loài.  Nhưng điều ý nghĩa nhất Thiên Chúa làm cho loài người chúng ta là “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người”.  Lời chân lý chính là Ngôi Lời.  Thiên Chúa đã “phán” bằng Lời của Người để tạo dựng muôn loài.  Con người chúng ta là “của đầu mùa” trong các loài thọ tạo, chỉ kém các thiên thần một chút thôi!  Không những Thiên Chúa dùng Ngôi Lời để dựng nên chúng ta, mà Người còn cho Ngôi Lời xuống thế làm người phàm sống giữa chúng ta để dạy dỗ chúng ta và làm bộ Luật sống cho chúng ta nữa.  Vì thế, thánh Gia-cô-bê kết luận:  “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.  Tuần trước, chúng ta đã nghe thánh Phê-rô tuyên xưng:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời”.  Đó chính là bài học của chúng ta tuần này và suốt những ngày tháng còn lại trên đời này vậy!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B