CHÚA NHẬT 26 QUANH NĂM,B

2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Gia-cô-bê 5: 1-6

 

        Trong toàn bộ thư thánh Gia-cô-bê, nguyên tắc “sống Lời Chúa” được áp dụng nhằm xây dựng đời sống cộng đoàn, biết sống hòa thuận với nhau và quan tâm tới người khác.  Một trong những mối nguy hiểm làm tổn thương đời sống cộng đoàn là thái độ vênh vang tự mãn của những người giàu có.  Do đó, trong phần cuối cùng, thư Gia-cô-bê đặc biệt cảnh cáo những người giàu về lối ăn ở bất công của họ.  Đây là một đề tài luân lý rất quen thuộc qua mọi thời đại:  vấn đề công bình xã hội.

 

a)  Thánh Gia-cô-bê muốn đề cập tới hạng người giàu nào? 

        Khi cảnh cáo người giàu, thánh Gia-cô-bê muốn nhắm tới hạng người giàu có “đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của họ.”  Rõ ràng đây là một bất công xã hội gặp thấy trong mọi thời.  Các ngôn sứ I-sai-a, Giê-rê-mi-a và A-mốt thời Cựu Ước đã từng lên tiếng tố cáo người giàu gian lận và bóc lột người nghèo.  Ngôn sứ A-mốt nói về cách làm giầu của họ:  “Các ngươi thầm nghĩ:  ‘Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;  bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?  Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;  ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.  Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;  cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (Am 8:5-6).  Thời nay ngay tại xứ Hoa-kỳ này, những bất công tương tự như thế cũng gặp thấy ở khắp nơi.  Những hãng xưởng đem người từ những nước nghèo khổ Á-châu sang để làm công cho họ, với tiền lương dưới cả mức tối thiểu, lại còn bị “giam lỏng” trong những căn nhà chật hẹp để khỏi trốn đi.  Người ta lợi dụng tình trạng cần việc làm của những người từ Nam Mỹ lên, thuê mướn họ làm những công việc nặng nhọc mà chỉ trả tiền quá ít...

        Còn chính họ, những người giàu có gian tham, thì “đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại” (= trong việc ăn uống no say).  Họ là những người nắm quyền hành nhờ thế lực của đồng tiền và của cải, lạm dụng thế lực của mình để “kết án, giết hại người công chính.”

        Trong bài đọc của Chúa Nhật 23 thường niên (Gc 2:1-5), thánh Gia-cô-bê đã đề cao người nghèo biết đặt hy vọng và tin thác vào Chúa, thì trong đoạn thư hôm nay, ngài lại mạnh mẽ và thẳng thắn tố cáo những người giàu gian ác và chỉ cậy dựa vào của cải mình có.  Chắc hẳn thái độ ấy phải là thái độ của Ki-tô hữu mọi thời để họ đối phó với vấn đề bất công và cổ võ cho công bình xã hội.

 

b)  Nhận định giá trị đích thực của tiền bạc của cải

        Khi nói tới bản chất của vàng bạc của cải, thánh Gia-cô-bê đã làm vang lại âm điệu của sứ điệp Tin Mừng.  “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi.  Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được” (Mt 6:19-20).  Thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh đến tính cách chóng qua và tạm bợ của vàng bạc của cải, giọng điệu giống như các ngôn sứ thời Cựu Ước (Is 5:8-10; Gr 5:26-30; Am 8:4-8).

        Tiền bạc của cải không thể bênh đỡ cho người giàu gian tham khi họ phải đứng trước mặt Chúa “trong ngày sau hết” để trả lời về những việc phúc đức đáng lẽ họ phải làm.  Trái lại, chính tiền bạc của cải ấy sẽ trở thành “bằng chứng buộc tội” họ.  Chúa không hỏi họ có bao nhiêu lượng vàng và tiền bạc, nhưng hỏi họ đã dùng tiền bạc của cải họ có để làm những gì.

        Tuy nhiên tiền bạc của cải cũng có giá trị đích thực của nó khi nó được sử dụng đúng đắn.  Sự giàu có phong phú là một dấu chỉ ân huệ của Thiên Chúa.  Trong hoang địa, Chúa đã dưỡng nuôi dân Người được no nê (Tv 78).  Trong phép lạ bánh hóa nhiều, mọi người được no đủ mà bánh vẫn còn dư (Mt 14:20).  Những dư đầy ấy nói lên ý định của Thiên Chúa là Người muốn ban dư đầy mọi sự cho con cái Người.  Nhưng điều quan trọng là người con cái Chúa phải biết tránh những ảo tưởng và nguy hiểm bởi sự giàu có.

 

c)  “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6:21)  

        Chúa Giê-su đã cho chúng ta một nguyên tắc hết sức thực dụng.  Những gì chúng ta trân trọng và cho nó một giá trị, thì nó luôn chi phối chúng ta.  Nếu kho tàng của chúng ta chỉ là tiền bạc, thì tiền bạc sẽ điều khiển chúng ta và biến chúng ta thành tên nô lệ cho nó.  Do đó nhận định những gì là kho tàng đích thực chính là bước căn bản để chúng ta làm một cuộc hành trình gắn bó và thuộc về kho tàng ấy.  “Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con” (Tv 16:5).  Hoặc như thánh Phao-lô, ngài đã “đành mất hết, và coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9), vì “Đức Ki-tô, sự sống mới và nguồn sống của chúng ta” (Cl 3:3-4).  Kho tàng đích thực của chúng ta là Đức Ki-tô, sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Tôi thuộc loại người giàu hay nghèo theo nhận định của thánh Gia-cô-bê?

        Thái độ của tôi đối với giá trị và sử dụng tiền bạc như thế nào?  Chia sẻ một vài thí dụ cụ thể về những thảm trạng khi coi đồng tiền quá lớn, hoặc quá chạy theo tiền bạc mà quên đi những giá trị đích thực.

        Đức Ki-tô và những giá trị Tin Mừng có đích thực là kho tàng của tôi không?  Tôi đã và đang đi tìm kho tàng ấy ở đâu?  Tôi có dám “đành mất hết và coi tất cả như đồ bỏ” để được Ngài làm sản nghiệp không?  Nếu không hoặc chưa dám thì tại sao?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

                Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau:

 

        Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác

trở thành bé nhỏ.

        Xin cho con thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

        Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm

nhất.

        Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn

chạm được tới con.

        Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một ước muốn nhỏ cũng không còn có

chỗ trong con.

        Xin làm cho con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

        Xin Chúa ngự trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính Ngài

đang sống.

                                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 2)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

26-9-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà