Lời Sống

Tháng 9/2023

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. (Tv 145.2)

 

Lời Kinh thánh đề ra cho tháng này để giúp cuộc hành trình của chúng ta là một lời cầu nguyện. Đó là một câu trích từ Thánh vịnh 145. Thánh vịnh là những sáng tác phản ánh kinh nghiệm tôn giáo cá nhân và cộng đoàn của dân Do-thái trong hành trình lịch sử của họ và trong những thăng trầm của cuộc sống họ. Lời cầu nguyện làm nên vần thơ dâng lên Chúa như lời than vãn, kêu xin, cảm tạ và chúc tụng. Trong hơi thở này có nhiều tình cảm và thái độ con người dùng để diễn tả cuộc sống của mình và mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống.

Đề tài làm nền cho Thánh vịnh 145 là tính vương giả của Thiên Chúa. Dựa trên kinh nghiệm bản thân của mình người viết thánh vịnh ca ngợi sự lớn lao của Thiên Chúa: “CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng” (c. 3); ca tụng sự nhân lành và tình thương phổ quát của Người: “CHÚA nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c. 9); nhận biết lòng trung tín của Người: “Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (c. 13b); và đi đến chỗ kéo theo mọi chúng sinh vào một bài ca vũ trụ: “Chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh đến muôn thuở muôn đời!” (c. 21).

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa

và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Dầu vậy con người tân tiến nhiều khi cảm thấy bơ vơ với ấn tượng bị bỏ mặc cho riêng mình. Họ lo sợ là những điều xảy ra hàng ngày là do tình cờ, trong những biến cố nối tiếp nhau không có ý nghĩa và mục đích gì.

Thánh vịnh này mang một lời loan báo hi vọng trấn an: “Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, người trung thành gìn giữ giao ước với dân Người, là Đấng đem lại công lý cho người bị áp bức, ban của ăn cho người đói khát và giải phóng người bị tù đày. Chính Người mở mắt cho người mù lòa, nâng dậy người ngã quỵ, yêu thương người công chính, che chở người xa lạ, nâng đỡ kẻ mồ côi góa bụa” (Gioan Phao-lô II, Giải thích Tv 145, 2/7/2003).

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa

và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Trước hết Lời này mời gọi chúng ta chăm lo cho mối quan hệ của riêng mình với Thiên Chúa, bằng cách đón nhận hoàn toàn tình yêu và lòng nhân hậu của Người và đặt mình trước mầu nhiệm lắng nghe tiếng Người. Đó là điều cơ bản cho mọi lời cầu nguyện. Nhưng để cho lòng mến yêu này không bị tách rời khỏi lòng mến yêu người bên cạnh, khi chúng ta bắt chước Thiên Chúa Cha trong việc mến yêu cụ thể mọi người anh chị em, đặc biệt những người rốt hết, những người bị loại ra lề, những người cô đơn nhất, thì chúng ta đạt đến chỗ hiểu được trong cuộc sống hàng ngày sự hiện diện của Người trong cuộc sống chúng ta. Chị Chiara Lubich, khi được mời cống hiến kinh nghiệm sống của chị cho một cử tọa các Phật tử, đã tóm tắt như sau: “… trung tâm kinh nghiệm của tôi tất cả ở điều này: càng mến yêu con người, ta càng tìm được Thiên Chúa. Càng tìm được Thiên Chúa, ta càng yêu mến con người hơn” (M. Vandeleene, Io, il fratello, Dio nel pensiero di C. Lubich, Citta Nuova, Roma, 1999, p.252).

Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa

và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.

Nhưng còn một con đường khác để tìm được Thiên Chúa. Trong những thập niên gần đây nhân loại đã có được một nhận thức mới về vấn đề môi trường. Động cơ của sự thay đổi này đặc biệt là những người trẻ, họ đề xuất một kiểu sống điều độ hơn với việc nghĩ lại những mô hình phát triển, dấn thân cho quyền của tất cả mọi dân cư trên hoàn cầu được có nước, của ăn, không khí trong lành, và tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế. Theo cách này con người không chỉ có thể hồi phục được mối liên hệ với thiên nhiên, mà còn ca tụng Thiên Chúa, khi họ kinh ngạc khám phá ra sự âu yếm của Người đối với toàn thể thụ tạo.

Đó là kinh nghiệm của anh Venant M. người từ thuở bé tại nước Burundi nơi anh sinh ra, anh thức dậy lúc bình minh với tiếng chim hót và đi bộ hàng chục cây số trong rừng để đến trường học; anh cảm thấy mình hoàn toàn hòa nhập với cây cối, súc vật, suối nước, đồi núi và với đồng bạn của mình. Hơn nữa anh còn cảm thấy thiên nhiên gần gũi, cảm thấy mình là phần sống động thuộc về một hệ sinh thái nơi các tạo vật và Đấng Tạo hòa hoàn toàn hòa hợp. Nhận thức này trở thành lời ca ngợi, không phải trong một giây phút, mà trong suốt cả ngày sống.

Có người có thể tự hỏi: còn tại những thành phố của chúng ta thì sao? “Tại những đô thị bằng xi-măng của chúng ta, xây nên bởi bàn tay của con người giữa tiếng ầm ầm của thế giới, thiên nhiên ít khi được cứu thoát. Nhưng nếu muốn, chỉ cần một mảnh trời xanh nhận ra giữa những đỉnh nhà chọc trời, để nhắc nhớ chúng ta về Thiên Chúa; chỉ cần một tia nắng, không hiếm hoi, đi vào giữa những thanh sắt của một nhà tù, chỉ cần một đóa hoa, một đồng cỏ, gương mặt một em bé…” (C. Lubich, Conversazioni, in collegamento telefonico).

Do Augusto Parody Reyes thực hiện với ban biên tập.

 

 


LỜI SỐNG 2023