KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C : MỪNG LỄ CHÚA BA NGÔI LÀ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG TRONG LỐI SỐNG CỦA CHÚNG TA

(xuanbichvietnam.net) Tháng Sáu 12th, 2022.

Việc cử hành lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, nhưng là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta”. Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, hôm 12/6/2022.

Quả thế, Đức Thánh Cha hỏi “liệu cuộc sống của chúng ta có phản ảnh vị Thiên Chúa mà chúng ta tin không: tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần, có thực sự tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần trao ban chính mình cho người khác, tôi cần phục vụ người khác? Tôi có khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định nó bằng cuộc sống của tôi?”. Vì “Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có một người mà không có người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: cởi mở, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc ngày Chúa Nhật hạnh phúc !

Hôm nay là Lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi, và trong bài Tin Mừng của ngày lễ, Chúa Giêsu trình bày hai Ngôi vị Thiên Chúa khác, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ngài nói về Chúa Thánh Thần : “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến ». Và rồi, về Chúa Cha, Ngài nói : “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16, 13.15). Chúng ta nhận thấy rằng Chúa Thánh Thần nói, nhưng không nói về chính mình : Người loan báo Chúa Giêsu và mạc khải Chúa Cha. Và chúng ta cũng nhận thấy rằng Chúa Cha, Đấng có mọi sự bởi vì Ngài là nguồn gốc của mọi sự, ban cho Chúa Con mọi sự Ngài có : Ngài không giữ lại gì cho chính mình và Ngài tự hiến trọn vẹn cho Chúa Con. Hay đúng hơn, Chúa Thánh Thần không nói về chính mình ; Người nói về Chúa Giêsu, Người nói về người khác. Và Chúa Cha không ban chính mình, Ngài ban Chúa Con. Đó là sự quảng đại cởi mở, người này mở ra cho người kia.

Và bây giờ chúng ta hãy nhìn vào bản thân mình, vào những gì chúng ta nói về và những gì chúng ta . Khi chúng ta nói, chúng ta luôn muốn nói điều gì đó tốt về bản thân, và thông thường, chúng ta chỉ nói về bản thân và những gì chúng ta làm. Rất thường! “Tôi đã làm điều này điều kia…”, “Tôi có vấn đề này…”. Chúng ta luôn nói như thế. Điều này thật khác với Chúa Thánh Thần, Đấng nói bằng cách loan báo người khác, và Chúa Cha, Chúa Con! Và, chúng ta khư khư giữ những gì chúng ta  như thế nào. Thật khó cho chúng ta để chia sẻ với người khác những gì chúng ta có, ngay cả những người đang thiếu thốn những nhu cầu cơ bản! Thật dễ để nói về nó, nhưng thật khó để thực hành nó.

Đây là lý do tại sao việc cử hành lễ Chúa Ba Ngôi không phải là một bài tập thần học, nhưng là một cuộc cách mạng trong lối sống của chúng ta. Thiên Chúa, trong đó mỗi Ngôi vị sống cho Ngôi vị khác trong một mối quan hệ liên lỉ, mối tương quan liên lỉ, không phải cho chính mình, thúc giục chúng ta sống với người khác và cho người khác. Cởi mở. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi liệu cuộc sống của chúng ta có phản ảnh vị Thiên Chúa mà chúng ta tin không: tôi, người tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần, có thực sự tin rằng tôi cần người khác để sống, tôi cần trao ban chính mình cho người khác, tôi cần phục vụ người khác? Tôi có khẳng định điều này bằng lời nói hay tôi khẳng định nó bằng cuộc sống của tôi?

Anh chị em thân mến, Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi phải được biểu lộ theo cách này – bằng việc làm hơn là lời nói. Thiên Chúa, Đấng là tác giả của sự sống, được truyền đạt không phải quá nhiều qua sách vở nhưng qua chứng tá của cuộc sống. Như thánh Gioan viết, Ngài, Đấng “là Tình Yêu” (1Ga 4, 16), mạc khải chính mình qua tình yêu. Hãy nghĩ về những người tốt, quảng đại, hiền lành mà chúng ta gặp gỡ; nhớ lại cách suy nghĩ và hành động của họ, chúng ta có thể có một phản chiếu nhỏ về Thiên Chúa -Tình Yêu. Và yêu thương có nghĩa là gì? Không chỉ mong muốn tốt cho họ và trở nên tốt với họ, nhưng trước hết, tận gốc rễ, đón tiếp người khác, mở ra cho người khác, nhường chỗ cho người khác, dành không gian cho người khác. Đó là ý nghĩa của yêu thương, ở gốc rễ.

Để hiểu điều này tốt hơn, chúng ta hãy nghĩ đến các danh xưng của các Ngôi vị Thiên Chúa, mà chúng ta đọc mỗi lần khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá: mỗi danh xưng chứa đựng sự hiện diện của Ngôi vị kia. Chẳng hạn, Chúa Cha sẽ không như thế mà không có Chúa Con; cũng vậy, Chúa Con không thể được coi là một mình, nhưng luôn luôn là Con của Chúa Cha. Và đến lượt mình, Chúa Thánh Thần là Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con. Nói tóm lại, Chúa Ba Ngôi dạy chúng ta rằng không bao giờ có thể có một người mà không có người kia. Chúng ta không phải là những hòn đảo, chúng ta ở trong thế giới để sống theo hình ảnh của Thiên Chúa: cởi mở, cần đến người khác và cần giúp đỡ người khác. Và vì thế, chúng ta hãy tự hỏi câu hỏi cuối cùng này: trong cuộc sống hằng ngày, tôi có phải cũng là một phản chiều về Chúa Ba Ngôi không? Dấu Thánh Giá mà tôi làm hằng ngày – Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Dấu Thánh Giá mà chúng ta làm hằng ngày, có phải chỉ là một cử chỉ như thế, hay nó gợi hứng cho cách nói, cách gặp gỡ, cách phản ứng, cách phán xét, các tha thứ của tôi?

Xin Đức Mẹ, nữ tử của Chúa Cha, Mẹ của Chúa Con và Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta đón nhận và làm chứng trong cuộc sống cho mầu nhiệm Thiên Chúa – Tình Yêu.

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ (nguồn: Vatican.va)

 


Tin Tức Giáo Hội - Tháng 6, 2022